Thứ Năm, 10/10/2024 04:25 SA
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020:
Cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro
Thứ Tư, 06/05/2020 13:00 CH

Tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ tại TX Sông Cầu. Ảnh: KIM CHI

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 diễn ra từ ngày 1-31/5 trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” đang được các cơ quan liên quan triển khai. Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết:

 

- Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 (Tháng hành động) nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; việc thực hiện Luật ATVSLĐ, Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

 

UBND tỉnh yêu cầu trong Tháng hành động cần tổ chức các hoạt động phong phú, có hiệu quả và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, cơ sở lao động và người lao động.

 

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các hoạt động trong Tháng hành động năm nay?

 

- Tháng hành động năm 2020 được phát động với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Vì vậy, tỉnh tập trung triển khai các hoạt động như: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ gắn với chủ đề của Tháng hành động; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.

 

Các ngành, địa phương tăng cường triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến doanh nghiệp, người lao động; thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa TNLĐ, BNN, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

 

Theo đó, các sở, ban ngành tổ chức các hoạt động tư vấn, cử chuyên gia trực tiếp huấn luyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; phương pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Các cơ quan, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị chức năng huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe, chữa bệnh cho người lao động. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ: Huấn luyện kỹ năng nhận diện, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc cho cán bộ quản lý và người lao động; tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự chủ an toàn, kỹ năng xử lý tình huống cho người lao động khi gặp sự cố; chú trọng huấn luyện kỹ năng thực hành cho người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về ATVSLĐ, BNN như khai thác khoáng sản, cơ khí, xây dựng… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát. Tập trung vào các công việc, vị trí sản xuất có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN; rà soát đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; đề ra các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

 

Ông Đinh Khắc Đô

* Để đẩy mạnh công tác đảm bảo ATVSLĐ, cần có các giải pháp gì?

 

- Qua báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ, tình hình TNLĐ, BNN trong thời gian qua, cho thấy trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người sử dụng lao động, người lao động chưa có kiến thức, kỹ năng đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ dẫn đến nhiều vụ TNLĐ thương tâm do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về ATVSLĐ.

 

Để tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, không chỉ trong Tháng hành động mà cần phải duy trì thường xuyên các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc theo nội dung chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 để tạo ý thức, nề nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, qua đó giúp người lao động phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ, BNN.

 

Các đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh kiểm tra đột xuất về ATVSLĐ; đề cao ý thức tự kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên của cơ sở, doanh nghiệp, chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Theo Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của tỉnh là:

 

a) Trung bình hàng năm, giảm 5% tần suất TNLĐ chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất).

 

b) Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc các BNN được phổ biến, được khám phát hiện BNN; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về BNN thực hiện quan trắc môi trường.

 

c) Trung bình hàng năm tăng thêm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ; bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

 

d) Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, cấp xã và trong ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về công tác ATVSLĐ.

 

đ) Trên 80% số người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 80% người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được huấn luyện về ATVSLĐ.

 

e) Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu.

 

g) Trên 80% số làng nghề; 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ.

 

h) 100% người lao động đã xác nhận bị TNLĐ, BNN được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

 

i) 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo pháp luật.

 

KIM CHI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek