Thứ Hai, 30/09/2024 10:41 SA
Chở “chợ” lên miền ngược
Chủ Nhật, 26/03/2006 08:26 SA

Chợ “di động” đã len lỏi đến các thôn, buôn miền núi từ nhiều năm trước, hầu hết người bán là phụ nữ. Gần đây, đàn ông đảm trách công việc này xem ra thuận lợi hơn. Đó đây khắp các thôn buôn xa xôi cách trở giao thông, người dân yên tâm vì đã có các anh mang thực phẩm tươi đến tận nơi. Qua “chợ di động”, các anh cũng đã gánh vác nỗi lo cơm- áo- gạo- tiền trong cuộc sống gia đình.

 

Chỉ có “chợ” do đàn ông chở mới xử lý được những “tai nạn” như xe chết máy, thủng lốp giữa đường rừng núi hoang vu, dốc đá thế này - Ảnh:Khương Duy

 

Ở đâu có người là ở đó có mình”- anh Lê Văn Bình chẳng chút ngần ngại khi nói về công việc của mình. Thật vậy, khắp ngõ ngách của các buôn, thôn trong xã Sơn Hội (Sơn Hòa), anhï đều đặt chân đến. Trên chiếc xe máy của anh Bình, ngoài cá, thịt, còn có đầy đủ các loại rau, củ và gia vị. Để không mất thời gian, trước khi đi bán hàng, anh phân chia sẵn và cho vào bao nilon từng loại rau ăn sống và rau canh với giá từ 1.000- 2.000 đồng. Các loại cá nhỏ và thịt cũng được phân chia với khối lượng khác nhau. Khi bán, anh chỉ việc cân lại cho khách hàng xem rồi thu tiền. Theo anh Bình, giá cả hàng được bán trên buôn không đắt hơn chợ huyện bao nhiêu.

 

Anh Bình bước vào “nghề” này rất tình cờ, sau chuyến đi chơi và nhìn thấy “chợ di động”. Tìm được cách mưu sinh mà thu nhập khá hơn việc trồng mía bấp bênh anh thấy yên tâm.

 

Anh Lê Tấn Vinh, 40 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) buôn bán thực phẩm theo kiểu “chợ di động” đã hơn 5 năm. Lúc trước, phần việc này là của vợ. Song thấy cảnh bà xã vất vả thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa ngoài đường, anh chạnh lòng rồi gánh việc. Anh nói: “Buôn bán kiểu này có khi bị hỏng xe dọc đường, có khi bị té vì đường xấu. Những lúc như vậy, phụ nữ khó mà cáng đáng”. Anh Vinh còn nói vui: “Nhiều người thích mua hàng của đàn ông hơn. Có lúc hàng ế, chúng tôi chỉ năn nỉ một chút là họ mua hết”. Mỗi ngày về tận Phước Tân để bán hàng, anh Vinh kiếm ít nhất cũng được 50.000 đồng. Đó là thu nhập không nhỏ ở nông thôn. Chồng buôn bán, vợ làm nông, họ có đủ điều kiện để nuôi hai con ăn học chứ không túng  thiếu như trước.

 

Anh Lê Văn Bình bán hàng di động - Ảnh: Thu Thủy

 

Cũng bán hàng theo kiểu “chợ di động”, nhưng anh Nguyễn Ngọc Hải hôm nay thì chở về miền núi các dụng cụ nấu nướng như xoong, nồi, chảo…, hôm sau lại mang quần áo trẻ em và các loại tạp hóa thông dụng. Anh Hải bảo: Để giữ được quan hệ buôn bán lâu dài với bà con miền núi anh chiều khách hàng bằng cách chịu khó đáp ứng các yêu cầu của họ. Có những mặt hàng anh phải chạy về tận TP Tuy Hòa để lấy rồi mang đến vùng cao Phước Tân, Cà Lúi. Anh Hải kể: “ Vợ mất vì bệnh nan y, các con còn nhỏ, tôi làm nông cứ bị thất bại. Chỉ có buôn bán như thế này mới ổn định cuộc sống. Đàn ông “chạy chợ” riết cũng quen.

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek