Cần trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – Ảnh: NGỌC HÂN
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ) do một phó giám đốc trực tiếp làm trưởng ban, chủ tịch công đoàn cơ sở làm phó ban thường trực. Việc tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế, ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp luôn là mối quan tâm của các nhà quản lý và người sử dụng lao động. Nhiều DNNN và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã quan tâm đầu tư kinh phí lắp đặt công nghệ, thiết bị mới thay thế máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Phong trào “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” được duy trì, hàng năm đều có kiểm tra chéo, chấm điểm và khen thưởng kịp thời. Ban Thường vụ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phát động phong trào cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng các đề tài lao động sáng tạo và sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả, làm lợi cho đơn vị, giải phóng sức lao động ở những khâu nặng nhọc, độc hại, hạn chế các trường hợp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nhiều đề tài đã được Hội đồng xét duyệt lao động sáng tạo của tỉnh đánh giá cao và được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về An toàn – Vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) – Phòng chống cháy nổ hàng năm, Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo và cử các tổ công tác kiểm tra các doanh nghiệp. Qua đó, đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác BHLĐ đối với người sử dụng lao động và người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn chủ động mời các cơ quan chức năng của trung ương huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách BHLĐ và các công đoàn cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động BHLĐ Phú Yên vẫn còn một số tồn tại cần sớm giải quyết. Đó là điều kiện làm việc và môi trường lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay vẫn chưa được cải thiện một cách căn bản; các doanh nghiệp còn thiếu công trình phục vụ sinh hoạt hàng ngày như nhà tắm, nhà vệ sinh... Thời gian làm việc ở một số ngành dệt may, giày da, chế biến hàng nông, lâm, hải sản còn kéo dài quá quy định. Tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn tăng ở một số ngành xây dựng, khai thác đá, cầu đường, thủy lợi...
Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp có cơ sở làm việc tiện nghi, sạch và thoáng hơn. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại ở đây là ô nhiễm ngoài khu vực nhà xưởng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư; người lao động đứng trước nguy cơ nhiễm các bệnh nghề nghiệp...
Để NLĐ có được một môi trường làm việc tốt, thiết nghĩ các cơ sở cần quan tâm chú trọng nhiều đến các khâu trong quá trình sản xuất, cải thiện môi trường làm việc, cần đề ra nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho NLĐ.
THU TRANG