Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (gọi tắt là tổng điều tra) là cuộc tổng điều tra đầu tiên được ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các công đoạn, từ xây dựng mạng lưới, thu thập thông tin, kiểm tra và nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu đến công bố kết quả. Trong đó áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới là sử dụng thiết bị điện tử di động trong thu thập thông tin và sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cư tự cung cấp thông tin thông qua mạng internet. Cùng với đó là việc đổi mới hình thức quản lý và sử dụng số liệu theo hướng quản lý dữ liệu tập trung và sử dụng phân tán...
Cải tiến hình thức thu thập thông tin
Ông Trần Quang Minh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra, cho biết: Nội dung điều bao gồm thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Tại cuộc tổng điều tra này, CNTT sẽ được ứng dụng trong hầu hết các công đoạn thu thập, xử lý số liệu và công bố kết quả tổng điều tra. Điều này giúp nâng cao chất lượng thông tin; minh bạch trong xử lý thông tin; rút ngắn quá trình xử lý thông tin; cập nhật thông tin về dân số, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính...
Cụ thể, hình thức thu thập thông tin được cải tiến với ba hình thức: Phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động (CAPI), phiếu trực tuyến sử dụng internet (webform) và phiếu giấy in sẵn. Đây là một trong đột phá của tổng điều tra, khi lần đầu tiên Tổng cục Thống kê sử dụng hình thức CAPI và webform trong một cuộc điều tra thống kê quốc gia.
Ông Trần Quang Minh cho biết thêm: “Việc cải tiến này sẽ đem lại những lợi ích nhưng cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong thực hiện cuộc tổng điều tra. Đó là hạ tầng CNTT hiện nay của các cấp không đảm bảo để tiếp nhận nhiều hình thức truyền gửi thông tin cùng một lúc; việc sử dụng webform gặp nhiều thách thức trong công tác tổ chức thực hiện và đối với các hộ dân cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cán bộ điều tra các địa phương được thực hiện khá nghiêm túc, bài bản, đảm bảo cuộc tổng điều tra tiến hành đúng tiến độ, yêu cầu”.
Theo ông Trần Văn Dĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Sông Hinh, địa phương có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, do đó trước khi tiếp nhận CAPI, Ban chỉ đạo Tổng điều tra của huyện thật sự lo lắng, về trình độ điều tra viên cũng như phương tiện làm việc... “Tuy nhiên, khi bắt tay vào, chúng tôi thấy cách làm CAPI “khỏe” hơn rất nhiều so với phiếu giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí, đỡ khâu bảo quản.
Thuận lợi của Sông Hinh đó là đường sá, giao thông thuận tiện, đồng bào dân tộc Ê Đê phần lớn nói được tiếng Kinh, phần lớn người dân biết sử dụng điện thoại thông minh... Tuy nhiên, với điều tra viên là người dân tộc thì phải tập trung cao vào khâu thực hành, sao cho điều tra viên sử dụng phần mềm thành thạo; phải soạn riêng lời chào hỏi, giới thiệu phù hợp với văn hóa người Ê Đê và tập huấn cho điều tra viên tiếp cận hộ dân tộc...”, ông Dĩnh nói.
Đảm bảo tổng điều tra nhanh gọn, tiết kiệm
Tại hội nghị triển khai công tác tổng điều tra toàn quốc do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc tổng điều tra chủ trì, ghi nhận Tổng cục Thống kê đã có những thay đổi đột phá, ứng dụng CNTT trong phục vụ cuộc điều tra, với nhiều phương pháp điều tra thu thập thông tin trực tiếp và gián tiếp, hình thức thu thập cả phiếu điện tử, phiếu in sẵn và qua điện thoại di động. Với cách làm này, hy vọng sẽ mang lại tiện lợi, đẩy nhanh tiến độ, độ tin cậy của điều tra tăng lên và việc tổng hợp báo cáo tiến độ sẽ nhanh hơn.
Để cuộc tổng điều tra năm 2019 đạt kết quả tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện thiết kế tổng điều tra, tài liệu hướng dẫn, các phần mềm và hệ thống hạ tầng CNTT cho cuộc tổng điều tra. Bộ TT-TT, Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức, công ty công nghệ, nhà mạng tăng cường phối hợp với Tổng cục Thống kê và Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện, đặc biệt là tiên lượng các rủi ro để có phương án dự phòng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, thông suốt của hệ thống truyền thông. Bộ TT-TT đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác và có ý thức hợp tác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù là cuộc điều tra thống kê về dân số và nhà ở định kỳ nhưng đây là một cuộc tổng điều tra mà Trung ương, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm và hết sức coi trọng về mặt chất lượng.
Kết quả tổng điều tra nhằm đánh giá chất lượng dân số, chất lượng về điều kiện sống và nhà ở, chứ không đơn thuần chỉ là chỉ tiêu về mặt số lượng; hướng tới chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số lượng dân số sang chất lượng, gắn vấn đề dân số với phát triển bền vững và Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là khác biệt lớn nhất của cuộc tổng điều tra lần này, vì vậy, dữ liệu đầu ra phải đảm bảo đầy đủ nhất, chính xác nhất, chi phí tiết kiệm nhất, thời gian thực hiện ngắn nhất...
1. Tổng điều tra là loại điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu 1.1. Điều tra toàn bộ
Điều tra toàn bộ được thực hiện đối với đối tượng thuộc các đơn vị điều tra nhằm thu thập những thông tin cơ bản về dân số và nhà ở.
1.2. Điều tra chọn mẫu
Điều tra chọn mẫu được thực hiện đối với một bộ phận dân số Việt Nam nhằm mở rộng nội dung điều tra, đáp ứng yêu cầu thông tin phân tích chuyên sâu; giúp nâng cao chất lượng điều tra, nhất là đối với những câu hỏi nhạy cảm và phức tạp; giúp tiết kiệm kinh phí tổng điều tra.
Điều tra chọn mẫu áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Xác định số địa bàn được điều tra mẫu ở mỗi huyện theo phương pháp phân bổ tỉ lệ thuận với căn bậc hai của quy mô và chọn các địa bàn mẫu của từng huyện theo phương pháp xác suất tỉ lệ với quy mô.
Giai đoạn 2: Chọn mẫu hộ từ danh sách hộ của địa bàn điều tra mẫu. Các hộ mẫu được chọn hệ thống theo khoảng cách. Số lượng địa bàn mẫu được chọn chiếm khoảng 40% tổng số địa bàn điều tra trên cả nước. Số hộ mẫu được điều tra chiếm khoảng 10% tổng số hộ trên phạm vi cả nước.
2. Người cung cấp thông tin
Chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú, các trường hợp chết, thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ. Đối với những thông tin về thành viên hộ mà chủ hộ không nắm chắc, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp thành viên hộ để hỏi các thông tin điều tra.
Riêng thông tin về lao động việc làm, điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là người từ 15 tuổi trở lên; các thông tin về lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản, điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi.
3. Phương pháp thu thập thông tin
Tổng điều tra sử dụng hai phương pháp thu thập thông tin: phỏng vấn trực tiếp và hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của tổng điều tra.
- Phương pháp phỏng vấn trực tiếp: điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (phiếu điện tử). Đối với những người tạm vắng trong suốt thời gian điều tra, điều tra viên có thể hỏi những người khác trong hộ, hoặc dựa vào những tài liệu do người thân hoặc chính quyền cung cấp để ghi phiếu điều tra. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp được áp dụng đối với phiếu ngắn và phiếu dài.
Khi thu thập các thông tin về nhà ở, điều tra viên hỏi người cung cấp thông tin kết hợp với quan sát trực tiếp ngôi nhà hoặc căn hộ để ghi câu trả lời vào phiếu điều tra.
- Hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của cuộc tổng điều tra: Hộ được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu điều tra (phiếu trực tuyến). Phương pháp tự cung cấp thông tin được áp dụng đối với phiếu ngắn.
(Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) |
KIM CHI