Khoảng 22 giờ ngày 4/3, khi đang ở trong thang máy Chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), chị P. H. V trú tại chung cư này bất ngờ bị một người đàn ông đi cùng thang máy xông vào ôm, hôn. Khi cửa thang máy mở, chị cố hết sức vùng chạy và thoát được ra ngoài.
Ngay sau đó, chị đã trình báo vụ việc với ban quản lý tòa nhà và Công an phường Nhân Chính. Căn cứ dữ liệu camera trong thang máy, Công an quận Thanh Xuân ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với Đỗ Mạnh Hùng về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Còn chị V nói rằng so với những tổn thất về tinh thần và sức khỏe mà Hùng gây ra đối với mình thì mức phạt 200.000 đồng là không thỏa đáng. Sự việc đã xảy ra nửa tháng rồi nhưng bản thân vẫn rất ám ảnh vì hành động thô lỗ của đối tượng và luôn sợ hãi mỗi khi đi thang máy.
Mức 200.000 đồng mà Công an quận Thanh Xuân phạt Đỗ Mạnh Hùng căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Mức phạt được quy định là từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" như vừa nêu. Theo nhận xét của nhiều người, trong đó có không ít các luật sư, thẩm phán…, mức phạt này là quá nhẹ, chưa tương xứng với những tổn thương do Hùng gây ra cho chị P. H. V. Đây là hành vi dâm ô, hành vi tấn công tình dục chứ không phải là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác như theo quy định của Nghị định 167/2013.
Nhưng do luật chưa quy định hành vi này là quấy rối tình dục nên cũng không thể xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự. Có người còn viện dẫn Điều 354 Bộ luật Hình sự của Singapore quy định đây là tội xâm hại phẩm giá (outrage of modesty). Theo đó, “người nào tấn công hoặc dùng vũ lực với ý định xâm hại hoặc biết rõ hành động của mình có thể sẽ xâm hại phẩm giá của đối phương sẽ bị phạt tối đa 2 năm tù, bị phạt tiền và phạt quất roi”. Còn Điều 354A của bộ luật này “quy định một số tình tiết tăng nặng như xâm hại phẩm giá trong thang máy hoặc nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi, người bị kết án sẽ phải chịu 3-10 năm tù đi kèm hình phạt roi.”… Vì thế cần phải có chế tài mạnh hơn, phải sửa luật theo hướng xử phạt thật nặng để đủ sức răn đe kẻ vi phạm. Vì thế cần phải khởi tố Đỗ Mạnh Hùng về tội dâm ô chứ không thể xử lý hành chính để ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tương tự trong tương lai!
Việc xử phạt “nhẹ hều” đối với Đỗ Mạnh Hùng sẽ tiếp tục nhận được nhiều nhận xét, ý kiến đánh giá, bình phẩm của công luận, các chuyên gia. Những nhà làm luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tiếp thu những điều cần thiết nhằm sớm bổ sung, chỉnh sửa các văn bản pháp luật (cụ thể trước mắt là Nghị định 167/2013) để việc thực thi luật pháp phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần giảm thiểu những ấm ức của nạn nhân do các bất cập đang tồn tại. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ không im lặng, không cam chịu cái xấu của chị P. H. V. Chị đã vượt qua nỗi đau và sự sợ hãi, đi tìm camera ghi đoạn thu hình để cung cấp chứng cứ tố cáo với công an sở tại dù chưa bằng lòng với kết quả xử lý như mong muốn.
Lâu nay, có nhiều vụ bị xâm hại, bị bạo lực, bị bạo hành (mà đa phần nạn nhân là nữ giới) nhưng những người bị hại hầu như thường âm thầm chịu đựng chứ không dám hé mở cùng ai. Vì thế, vô tình tiếp tay cho cái ác, cái xấu hoành hành, tác oai tác quái! Nhưng khi sự thật đã được phơi ra ánh sáng, dứt khoát thủ phạm sẽ phải trả giá, sẽ bị trừng phạt, nhất là trong tình hình nền pháp trị đất nước đang được chú trọng xây dựng để ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.
“Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”, tinh thần không thỏa hiệp với cái xấu của chị P. H. V thật đáng trân trọng.
CHÂN TÂM