Nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với quốc lộ 1, giáp TX Sông Cầu, cầu gỗ Miễu Ông Cọp mang vẻ đẹp mộc mạc. Đây là nơi thông thương của hàng ngàn hộ dân hai bên cầu và gần đây đã trở thành địa chỉ thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh. Vào mùa mưa bão, cây cầu thường bị hư hại, cuốn trôi; những người chủ cây cầu phải tốn nhiều công sức, tiền của để làm mới và bảo vệ cầu.
Thay những chuyến đò ngang
Cầu gỗ Miễu Ông Cọp (hay còn có tên khác là cầu Bình Thạnh, cầu gỗ Tuy An) bắc qua cửa sông Bình Bá. Từ quốc lộ 1 nhìn xuống, cây cầu trông mỏng manh giữa một vùng mênh mông, bát ngát. Đây là một trong những cây cầu gỗ hiếm hoi còn lại ở Phú Yên thu hút nhiều khách phượt đến khám phá.
Trước khi nổi lên thành một điểm “check in” của du khách, cây cầu là con đường tắt giữa xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) và phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) thay cho những chuyến đò ngang bất tiện và không an toàn.
Theo người dân địa phương, cầu gỗ Miễu Ông Cọp được thi công từ năm 1998 với tổng chiều dài khoảng 800m và rộng 1,5m. Cây cầu đầu tiên do ông Nguyễn Xuân Thạnh, quê Khánh Hòa thầu xây dựng và hoàn thành vào tháng 1/1999 với vật liệu chính là ván gỗ cây phi lao và tre già làm thành cầu.
Sau nhiều năm quản lý, khi tuổi đã cao, ông Thạnh chuyển quyền bảo dưỡng và thu phí qua cầu lại cho người dân địa phương. Trải qua nhiều đời chủ, đến nay, ông Nguyễn Văn Tánh (sinh năm 1969) ở khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, và những người trong gia đình ông quản lý.
Dòng sông Bình Bá là ranh giới tự nhiên, phía bắc là TX Sông Cầu, phía nam là huyện Tuy An và cầu gỗ Miễu Ông Cọp bắc ngang là đường tắt nối liền hai khu vực này. Hàng ngày, cây cầu gỗ đón vài trăm lượt khách qua lại. Những người này thường từ Tuy An qua Sông Cầu (hoặc ngược lại) để nuôi tôm, mua bán, công chuyện làm ăn… Tất cả những người qua lại cầu đều phải trả phí, đi bộ 1.000 đồng, đi xe đạp 2.000 đồng, đi xe máy 3.000 đồng; riêng học trò được miễn phí.
Để thu phí qua cầu, ông Tánh phân công người trực cả ngày lẫn đêm. Ngày thường thì lượng khách không biến động nhiều, tiền thu phí khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Những đợt lễ, Tết, nghỉ hè, mùa cưới, mùa du lịch, khách đoàn…, cầu Miễu Ông Cọp đón thêm hàng trăm khách và cả một khúc sông trở nên náo nhiệt.
Bà Bùi Thị Cúc, người dân thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) cho biết, mặc dù phải trả phí qua cầu nhưng có được cây cầu gỗ để đi người dân sướng hơn rất nhiều lần so với đi đường vòng hoặc đi đò. Vào mùa mưa, cầu không đi lại được, người dân đi vòng rất xa nên ai cũng chỉ mong cây cầu không bị lũ cuốn trôi.
Một mai... cầu ván đóng đinh
Trước đây, ở Phú Yên cũng có những cây cầu gỗ khác như cầu gỗ An Hải (huyện Tuy An), cầu gỗ Mò O, Xuân Cảnh (TX Sông Cầu)… Qua thời gian, những cây cầu tạm này dần được thay thế bằng cầu bê tông chắc chắn. Riêng cầu gỗ Miễu Ông Cọp vì nhiều lý do đến nay vẫn tồn tại và phát huy công năng. Tuy không đảm bảo độ an toàn nhưng vì sự tiện dụng của nó, hiện nay, hàng ngày vẫn có vài trăm lượt người và phương tiện qua cầu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (phường Xuân Đài), đồng sở hữu và quản lý cầu gỗ Miễu Ông Cọp cho biết, phải qua tay 3-4 chủ, đến năm 2014, cây cầu này mới được gia đình bà tiếp quản. Sau mỗi mùa mưa bão, cầu bị cuốn trôi hoặc hư hại nặng, chủ cây cầu phải sửa chữa, có khi làm mới hoàn toàn. Chi phí để dựng một cây cầu gỗ dài 800m này khoảng 1,5 tỉ đồng và cần 30-40 thợ làm trong 3 tháng mới xong.
Những năm trước, cứ vào tháng 8 âm lịch là gia đình bà thuê nhân công tháo một nhịp phía bờ bên kia để cầu không bị trôi, sau khi bão lũ qua lại nối vào để đảm bảo cho người dân đi lại. Qua 23 tháng 10 âm lịch, bà gấp gáp sửa sang, tu bổ lại cầu để người dân lưu thông trong dịp Tết.
Vậy nhưng, mùa mưa nào, cầu cũng trôi một ít nhịp và phải mua thêm gỗ về làm lại. Năm 2016, lụt lớn đổ về nhanh, gia đình bà chưa kịp trở tay thì cầu đã trôi đi mất phải đầu tư làm lại từ đầu. Vừa làm xong, cầu lại tiếp tục trôi.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý cầu gỗ Miễu Ông Cọp hiện nay, ông Nguyễn Văn Tánh cho biết, ngày trước, năm nào cầu cũng hư hỏng vài lần nhưng không trôi mất. Nay mỗi lần có lũ về là cây cầu bị cuốn ra biển, phải đầu tư mới hoàn toàn. Công cán ngày càng tăng, gỗ lên giá, cầu thì mỗi năm đều hư hỏng và 3 tháng phải tu bổ lại một lần tốn vài chục triệu đồng nên việc thu phí để bù cho vốn đầu tư, quản lý không lời lãi là mấy.
“Nghe đâu sắp tới, tại đây người ta sẽ thay bằng cầu bê tông. Có cầu mới thì cầu cũ phải bỏ, người dân được đi lại an toàn, thuận tiện, nhưng tôi vẫn thấy tiếc bởi cây cầu được rất nhiều du khách khen làm cho tôi và nhiều người dân ở đây cảm thấy rất yêu mến, lưu luyến”, ông Tánh bộc bạch.
Có nhiều thông tin bên lề thời gian tới sẽ có cầu bê tông bắc qua sông Bình Bá; tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào về vấn đề này. Trước mắt, cầu gỗ Miễu Ông Cọp vẫn là nơi thông thương của người dân trong vùng.
Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây |
THÁI HÀ