Thông điệp “Chủ động phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em” là chủ đề chính của Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2018 (15/11-15/12) đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, xóa bỏ định kiến trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Tuyên truyền, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu quốc gia của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết, đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền. Nạn nhân chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ khi tình trạng bạo lực đã trở nên nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.
Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006) và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007), đề án Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030 cùng với nhiều chính sách và chương trình về nội dung này.
Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực triển khai chính sách và truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, trong đó có nam giới và trẻ em trai. Tuy nhiên, những nỗ lực này hiện nay vẫn còn rời rạc và chưa có tính hệ thống, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc thực thi luật pháp và chính sách về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tại Phú Yên, theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 2.200 vụ bạo lực gia đình, riêng năm 2017 đã xảy ra 238 vụ bạo lực gia đình, 9 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, tình trạng xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Chị Nguyễn Thị H (huyện Phú Hòa), từng “hứng chịu” những trận đòn roi vô cớ của chồng mỗi khi chồng chị say xỉn về. Chị H chia sẻ: Tôi khổ tâm lắm, nhưng vì con cái, tôi phải nhẫn nhịn, chịu đựng, nhưng càng nhịn thì chồng càng “được nước lấn tới”. Không chịu nổi, năm 2017, chị H nộp đơn ly hôn. Hiện giờ, hai đứa con ở với chị, ba mẹ con sống an toàn, hạnh phúc.
Hay như mới đây, Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên đã “giải cứu” thành công hai cháu nhỏ ở huyện Đồng Xuân thoát khỏi những trận đòn roi của người cha nát rượu, suốt ngày đánh con tàn nhẫn. Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc trung tâm này, cho biết: Nhận được thông tin có hai cháu hàng ngày bị cha bạo hành, chúng tôi vội liên hệ với địa phương cùng các cơ quan chức năng tư vấn, tham vấn, buộc phải dùng đến lý lẽ, luật pháp để đưa hai cháu thoát khỏi người cha tàn độc. Hiện nay, hai cháu đang được nuôi dưỡng an toàn tại Làng SOS Nha Trang.
Thực hiện tốt các hoạt động bình đẳng giới
Tại lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, pháp luật thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng nam nữ…
Qua đó, các sáng kiến, mô hình can thiệp để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt mô hình thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần được nhân rộng, triển khai tích cực và mạnh mẽ hơn ở các cấp, ngành, địa phương. Điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng và nỗ lực của các bên tham gia trong việc thực hiện các mục tiêu trao quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, thời gian qua, huyện chủ động tuyên truyền các chủ trương chính sách về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giảm dần tiến đến xóa bỏ định kiến tư tưởng trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính thai nhi, liên kết giữa các thành viên trong gia đình đối xử bình đẳng giữa các thành viên, ông bà cha mẹ, con cháu… Nhờ vậy, tình trạng bạo lực trên địa bàn huyện giảm từ 11 vụ năm 2017 xuống còn 6 vụ năm 2018, thu hẹp bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội.
Nhân Tháng Hành động vì bình đẳng giới 2018, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại bà mẹ, trẻ em sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực.
Các cơ quan, cộng đồng tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hành động vì một xã hội an toàn cho phụ nữ và trẻ em; nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
KIM CHI