Sông Bàn Thạch ngày trước là con đường thủy nhộn nhịp với đò ngang, đò dọc hoạt động tấp nập ngày đêm để chở mắm, cá từ miền biển lên miệt đồng; chở lúa gạo từ đồng về biển. Khi đời sống phát triển, những cây cầu kiên cố mọc lên, những bến đò ngang trở thành ký ức xưa cũ. Chỉ có nơi cuối dòng Bàn Thạch, từ bao đời nay vẫn là nơi mưu sinh nhộn nhịp của nhiều lớp người, bất kể mưa nắng, ngày đêm.
Nhộn nhịp ngày đêm
Sau những cái “vặn mình” bên bồi, bên lở, dòng sông Bàn Thạch cũng đến điểm cuối là cửa Đà Nông (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) để hòa dòng chảy vào biển lớn. Tại nơi giao nhau của sông - biển này, vào mùa nắng tháng 3, 4, 5 âm lịch, nước biển tràn vào xanh thẳm, trong vắt mang theo tôm, mực, vẹm và nhiều loài hải sản khác.
Mùa mưa, nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo các loài thủy sản nước ngọt làm cho buổi chợ quê đầy ắp cá tôm. Theo con nước lên xuống, theo các mùa trong năm, những người dân ở đây từ năm này qua năm khác cũng mưu sinh không ngừng nghỉ.
Anh Nguyễn Thanh Phong (thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam) đang luôn tay làm việc trên chiếc thuyền phía ngoài xa khi tôi gọi. Di chuyển sang ghe gần bờ nhất, anh Phong thò đầu vào bờ cát để hỏi người ở xa đến đây có việc gì. Sau khi biết khách đến để hỏi về những nghề mưu sinh ở cửa sông này, bao niềm tự hào, tâm đắc đều được anh dốc hết gan ruột.
“Tôi sinh ra ở đây, cả đời lớn lên trên sông nước nên bao nhiêu nghề trên sông đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Người dân ở đây làm việc bất kể ngày đêm, khi thì cắm trủ, rớ quay, khi thì đánh lờ, lưới gõ; còn hiện nay, rất đông người dân đi cào ốc, cạy ốc, vẹm bán làm thức ăn cho tôm hùm, vịt. Khi nước lên, những người làm chài lưới đi sáng cả mặt sông; còn lúc nước xuống cạn, cả làng Phú Lạc ra cửa sông bắt ốc, người này giẫm chân người nọ.
Hiện nay, riêng số người đánh lờ đã lên cả trăm người. Cứ qua giờ trưa, họ đi đặt lờ, đến 1-2 giờ sáng bơi sõng đi thăm lờ, trút tôm cá vào giỏ sau đó mang về phân loại rồi đem ra chợ. Mỗi ngày, bình quân một người cũng kiếm được 200.000 đồng. Vào mùa mưa, cá từ trên thượng nguồn về, cá ở các ao hồ vỡ chạy ra dồn về đây nên các ngư dân có ngày kiếm được 500.000 đồng. Ở đây hễ siêng làm là không bị đói”, anh Phong cho biết.
Chỉ về phía xa xa mặt sông, anh Phong cho biết, tất cả những người mưu sinh ở đây, có khi là người địa phương, có khi là người trên Phú Khê (xã Hòa Xuân Đông) xuống, có khi là người ở Tuy An vào, có khi ở Vạn Giã (Khánh Hòa) ra ở nhờ nhà dân nơi đây và đi theo chuyến. Ở nhiều nơi, người ta không cho dân nơi khác đến làm ăn nhưng người dân cửa sông này xem cá tôm là của trời của nước, chứ không của riêng ai nên mạnh ai nấy làm, miễn là không vi phạm.
Sông quê nuôi lớn bao người
Làng biển Phú Lạc hôm nay mang diện mạo mới với đường sá trải nhựa láng tưng, nhà cửa sầm uất khang trang, cuộc sống no đủ hiện hữu trên từng nét mặt. Có được sự no ấm đó, người dân không quên ơn dòng sông đã bao đời mang đến cho dân làng nơi đây nguồn sinh kế.
Ông Đào Văn Mười, Phó lạch Phú Lạc, Phó Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Phú Lạc cho biết, tuổi ông giờ đã ngoài 50 nhưng có hơn 30 năm làm nghề trên sông nước. Lúc là cậu trai mới lớn, ông đi bạn cho các ghe. Khi thông thuộc công việc, cũng là lúc có gia đình nên ông sắm sõng đi mành trủ. Gần đây, ông cùng con rể hùn hạp để sắm ghe đi đánh bắt xa bờ.
“Tui giờ cũng đã 52 tuổi, cả thời trẻ cho đến giờ quen với cái lịch cứ tháng 9 âm tất cả ghe đều vào bờ để làm nước, vá lại lưới; qua 23/10 thì mở biển, các ghe lại đồng loạt ra khơi để kịp về ăn Tết. Ăn Tết xong mấy ngày lại tiếp tục lênh đênh cả tháng. Bây giờ thuyền to, lưới cũng to, mỗi một lưới rút dài 300-400 sải tay, dậu (độ sâu của lưới từ mặt nước xuống lòng biển) cũng phải 50-60 sải (mỗi sải khoảng 1,7m) nên khi chở lưới (xếp lại cho gọn) phải cần rất nhiều sức người.
Làm nghề này, ai cũng đau lưng từ trẻ nên có cố gắng lắm cũng chỉ đến 55, 60 tuổi là không còn sức lực. Tuổi tôi giờ mà đi biển, con rể nó đã không ưng nên tôi tính 1-2 năm nữa lên bờ sắm một cái sõng nhỏ thả lưới ở cửa sông để kiếm ăn. Cửa sông này coi vậy mà hiền hòa, bất kể già trẻ lớn bé, đàn ông hay phụ nữ, hễ có làm là có ăn”, ông Mười chia sẻ.
Tôi rời nhà ông Mười khi đã 12 giờ trưa, nắng chói chang trên đầu nhưng ở phía cửa sông vẫn còn một nhóm người đang ngụp lặn, cào ốc; nhóm khác chuẩn bị thu gom dụng cụ và ra về; lác đác nơi này nơi khác người thì thả lưới, người thì dỡ lưới, có người đang gõ mái chèo vào mạn thuyền đuổi cá phát ra những âm thanh giòn giòn, êm êm giữa bao la trời nước.
Trong số những người làm việc ở cửa sông có khá nhiều phụ nữ. Đa số họ đều có chồng làm biển, một thân một mình lo cho con cái nên hiếm người xin vào làm ở các khu công nghiệp. Để có thêm tiền chợ búa, buổi sáng khi đã cơm nước cho con đến trường, họ mang theo xẻng, vợt để ra sông, cào ốc. Sau 4-5 tiếng đồng hồ, khi nước lớn họ lại vào bờ mang theo “chiến lợi phẩm” thu được từ dòng sông.
Bà Bùi Thị Chẻo đã 68 tuổi nhưng từ lúc 6 giờ sáng đã cùng một nhóm người ra sông cào ốc xép. Đến 12 giờ trưa, người nhiều được 10-15kg, riêng bà sức đã yếu nên được tầm 7-8kg. Bà Chẻo cho biết, lúc trước khi được giá, ốc xép được thu mua 21.000 đồng/kg để cho tôm hùm ăn; nay thì giá hạ còn 19.000 đồng nên người làm nghề này cũng ít phấn khởi một chút. Tuy nhiên, nếu như chịu khó, công việc này cũng kiếm được tiền đủ đắp đổi cuộc sống.
Làng biển Phú Lạc ngày nay có rất nhiều đứa con được ăn học đến nơi đến chốn, vào các thành phố lớn lập nghiệp và thoát ly hẳn đời sông nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người trẻ ở lại đây cùng người dân sắm ghe vươn khơi bám biển. Những người ít vốn liếng, ít sức lực hơn thì chọn mưu sinh trên cửa sông. Cuộc mưu sinh ấy được dòng Bàn Thạch ưu ái từ năm này qua năm khác đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống ấm no.
THÁI HÀ