Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh với mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo từ 2-2,2%/năm, kết quả thực hiện trong 2 năm 2016-2017, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm 4,77%, bình quân mỗi năm giảm 2,38%, đạt 108% chỉ tiêu kế hoạch. Riêng các xã nghèo, huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 3%.
Để thực hiện đạt kết quả giảm nghèo theo mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo trên địa bàn và bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù, giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện. Tỉnh xây dựng các chương trình lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, chính sách y tế, tiếp cận thông tin, chương trình giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động…
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã, thôn nghèo, đặc biệt khó khăn nhằm giúp người dân tiếp cận tốt các dịch vụ cơ bản tại cơ sở.
Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường phối hợp với mặt trận và đoàn thể tỉnh, các tổ chức, cá nhân... đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo và các chương trình đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt trong 2 năm 2016-2017, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.623 hộ nghèo, hộ chính sách có nhà ở tạm bợ xây dựng nhà ở kiên cố với hơn 58,3 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn theo Quyết định 33/QĐ-TTg và Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là gần 11,2 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xóa nhà tạm thêm 226 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách và hộ bị thiên tai.
Theo ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, chương trình xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá tốt. Đây là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác huy động nguồn lực ngoài ngân sách tiếp tục được phát huy và có hiệu quả, chương trình đã và đang được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm. Chương trình đã từng bước đi vào xã hội hóa. Chất lượng nhà ở được nâng lên so với những năm trước. Diện tích nhà bình quân khoảng 32m2, kinh phí xây dựng khoảng 40-50 triệu đồng/nhà.
Nhìn nhận về kết quả giữa kỳ thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, theo Sở LĐ-TB-XH, mặc dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua không thật sự thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường biến động, cộng với ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là nắng hạn, bão lụt làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương, nên công tác giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông khuyến lâm…
Một bộ phận hộ nghèo tổ chức sản xuất có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo, trong hai năm 2016-2017 đã giảm 10.545 hộ nghèo. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện, hộ tái nghèo trong hai năm 2016, 2017 chỉ chiếm 0,45% so với tổng số hộ nghèo, nhiều xã không có hộ tái nghèo.
Hiện Sở LĐ-TB-XH đang phối hợp với các ngành tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, các xã nghèo bãi ngang ven biển, Chương trình 135 đã góp phần nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng vùng nghèo, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, vừa có ý nghĩa lồng ghép rất lớn để góp phần hoàn thành một số tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
NGỌC MINH (Sở LĐ-TB-XH)