Dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa với chủng vi rút cúm A/H5N6 với độc lực mạnh và có khả năng lây lan cho người. Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, ngành Thú y đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chống dịch. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.
Chiều 1/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp dập dịch và tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của gia đình bà Nguyễn Thị Trang ở thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Tổng đàn gia cầm của gia đình bà Trang khoảng 900 con, những ngày qua có gần 700 con bị chết. Qua kiểm tra lâm sàng, nhận thấy đàn gia cầm này có những biểu hiện của bệnh cúm gia cầm nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành bao vây, tiêu hủy. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.900 con gia cầm bị chết và tiêu hủy do dịch cúm gia cầm. |
* Dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại huyện Phú Hòa, theo ông đâu là nguyên nhân gây bệnh và nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới như thế nào?
- Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại hộ ông Nguyễn Thanh Cảnh và bà Nguyễn Thị Trang ở thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Đặc biệt, lần này, đàn cúm gia cầm nhiễm bệnh do chủng vi rút cúm A/H5N6 gây ra. Đây là chủng vi rút lần đầu xuất hiện tại Phú Yên. Qua khai báo, đàn gia cầm của gia đình ông Cảnh nuôi hơn 1 năm qua, còn đàn gia cầm gia đình bà Trang được nhập về cách đây 45 ngày.
Trong khi đó, thời gian ủ bệnh của vật nuôi khi bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6 rất ngắn, khoảng 3 ngày nên chúng ta có thể loại trừ nguyên nhân nhiễm mầm bệnh từ con giống. Vì vậy, khả năng cao dịch bệnh xuất phát tại chỗ, nguyên nhân có thể do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, thuận lợi cho vi rút phát sinh.
Ngoài ra, cũng có thể vật nuôi bị lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc với các vật dụng, con người đã bị nhiễm vi rút từ các vùng có dịch. Bên cạnh đó, cũng có thể đàn gia cầm của các hộ nuôi này chưa được tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, khi vi rút xâm nhập thì vật nuôi không có khả năng kháng bệnh, dẫn đến bùng phát bệnh và lây lan.
* Chủng vi rút cúm A/H5N6 nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
- Khi gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6 sẽ có những biểu hiện như: gia cầm đột ngột chết hàng loạt hoặc có các triệu chứng chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, vẹo cổ, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất biếng ăn, khó thở, mào, tím tái, phù, xuất huyết ở những chỗ da không có lông...
Chủng vi rút cúm A/H5N6 sẽ gây bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan rất nhanh. Tất cả các loại gia cầm nuôi, chim hoang dã đều có thể mắc bệnh. Khi mắc bệnh, gia cầm sẽ chết hàng loạt. Đặc biệt, loại vi rút này còn có thể lây nhiễm sang người, một số động vật và có khả năng gây tử vong.
Vi rút cúm A/H5N6 tồn tại trong phân gia cầm, nước, đất và các vật dụng khác trong khoảng 35 ngày, có thể sống trong nhiệt độ lạnh của tủ lạnh khoảng vài tháng và chết ở nhiệt độ trên 70 độ C. Mầm bệnh này sẽ lây lan khi vật nuôi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, chim hoang dã bị nhiễm bệnh, chết. Hoặc cũng có thể nhiễm vi rút do ăn thức ăn nhiễm mầm bệnh, hay tiếp xúc với chất độn chuồng, giày dép, quần áo, dụng cụ, phương tiện bị nhiễm vi rút do con người mang về từ nơi có bệnh...
* Vậy ngành Thú y đã làm gì để khống chế bệnh?
- Khi phát hiện các ổ dịch, ngành đã phối hợp cùng địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vật nuôi vị nhiễm bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp bao vây dập dịch như: phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ khu vực ổ dịch. Do vi rút cúm A/H5N6 có độc lực rất mạnh nên bán kính thực hiện tiêu độc sát trùng khu vực xung quanh lên đến 3km2.
Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng các địa phương thống kê đàn gia cầm và thực hiện các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chi cục đã cấp cho xã Hòa An 20 lít thuốc sát trùng; chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa phối hợp tổ chức phun tiêu độc sát trùng tại ổ dịch và vùng lân cận mỗi ngày.
Đồng thời, chi cục đã chủ động đặt mua 300.000 liều vắc xin cúm gia cầm. Trong ngày hôm nay (2/11), vắc xin sẽ về đến chi cục sẽ phân bổ về các địa phương để nhanh chóng tổ chức tiêm phòng, bao vây dập dịch cho các vùng có nguy cơ cao nhiễm bệnh gồm: Hòa An, Hòa Trị, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), Hòa Thành (huyện Đông Hòa), Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) và Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Đồng thời, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ thêm 5.000 lít thuốc sát trùng từ nguồn dự trữ phòng chống dịch bệnh của tỉnh về cho 9 huyện, thị, thành phố để tiến hành phun tiêu độc sát trùng môi trường, hạn chế mầm bệnh phát sinh trong không khí.
* Vi rút cúm A/H5N6 có độc lực rất cao và có khả năng lây lan sang người. Vậy theo ông, trong tình hình dịch cúm đang xảy ra hiện nay thì phải làm gì để phòng bệnh cho chính người chăn nuôi và những người tham gia phòng dịch?
- Vi rút cúm A/H5N6 là chủng vi rút có khả năng lây lan sang người, vì vậy đối với người nuôi, khi tiếp xúc với gia cầm phải có những trang thiết bị bảo hộ cần thiết như: khẩu trang, găng tay, ủng chân… Trước và sau khi vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi, người nuôi phải vệ sinh chân tay bằng xà phòng. Các dụng cụ bảo hộ nên khử trùng bằng thuốc sát trùng. Đối với lực lượng chức năng khi tham gia chống dịch, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ cho cán bộ tham gia kiểm tra,
mổ khám lâm sàng và tiêu hủy gia cầm. Toàn bộ lực lượng khi tham gia công tác chống dịch đều được mặc quần áo bảo hộ, có khẩu trang, găng tay, kính, mũ và ủng chuyên dụng đảm bảo an toàn cho lực lượng này.
Sau khi hoàn tất mọi công tác chống dịch, tất cả trang thiết bị được thu gom đốt hoặc chôn lấp và xử lý bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Đặc biệt, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát như hiện nay, người dân tuyệt đối không được sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.
* Về phía người chăn nuôi cần làm gì để có thể bảo vệ đàn vật nuôi của mình?
- Trong lúc dịch cúm gia cầm đang xuất hiện như hiện nay, người chăn nuôi cần khẩn trương chủ động mua vắc xin và tiêm phòng cho đàn gà, vịt, chim cút... Tiến hành thu gom, xử lý chất thải hàng ngày, phun thuốc tiêu độc sát trùng khu vực chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh. Bà con cũng phải theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm, tăng khẩu phần dinh dưỡng, cho gia cầm uống nước sạch...
Khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường thì báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Đặc biệt, người chăn nuôi tuyệt đối không được giấu dịch, cố bán chạy gia cầm bị bệnh, vứt xác gia cầm chết ra môi trường vì rất dễ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.
* Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN (thực hiện)