Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (DNNNN) đủ điều kiện vẫn chưa thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn người lao động (NLĐ) ở các doanh nghiệp này phải chịu nhiều thiệt thòi vì chưa được tổ chức công đoàn (TCCĐ) bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Doanh nghiệp không mặn mà
Quan trọng là phải duy trì, đổi mới phương pháp hoạt động để các TCCĐ tại DN thực sự phát huy hiệu quả. Đây là giải pháp thuyết phục nhất để thu hút nhiều DN tham gia thành lập TCCĐ. Ngoài ra, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các DN không thành lập TCCĐ theo quy định. Bản thân NLĐ cần phải nắm bắt một cách đầy đủ về Luật Công đoàn để có hiểu biết, đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Có như vậy, quyền lợi hợp pháp của NLĐ tại các DN mới được đảm bảo. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng) |
Theo Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế, sau 6 tháng đi vào hoạt động, DN phải tạo điều kiện để TCCĐ được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều DN đã hoạt động nhiều năm nhưng vẫn không có TCCĐ. Hiện toàn tỉnh có 2.969 DN đang hoạt động, trong đó DNNNN chiếm 34,73% nhưng mới chỉ hơn 10% DN có TCCĐ.
Ông Nguyễn Thanh Lộc, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, cho biết: “Thành phố có hàng ngàn DN vừa và nhỏ đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng mới chỉ 38 DN có TCCĐ và hiện 128 DN có từ 20 lao động trở lên vẫn chưa thành lập TCCĐ. Chúng tôi đã nhiều lần trực tiếp vận động các DNNNN, hầu hết các chủ DN không mặn mà với TCCĐ và cho rằng, có công đoàn cũng vậy mà không có cũng xong. Thậm chí có chủ DN còn nói TCCĐ làm ảnh hưởng đến lợi ích DN”.
Huyện Tây Hòa hiện có hàng chục DN có trên 20 lao động làm việc đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng trong năm 2017, LĐLĐ huyện này chỉ thành lập được một công đoàn DNNNN (Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Gia Thành với 14 đoàn viên). Đây cũng là DNNNN đầu tiên trên địa bàn huyện Tây Hòa có TCCĐ.
Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Tây Hòa Trương Trọng Lam, DNNNN không mặn mà với việc thành lập CĐCS, họ chỉ quan tâm đến việc kinh doanh. “Thời gian tới, LĐLĐ huyện sẽ phối hợp với Chi cục Thuế và chính quyền địa phương nơi DN đang hoạt động để vận động thành lập CĐCS. Đồng thời tuyên truyền cho NLĐ cũng như chủ DN hiểu được lợi ích của việc thành lập CĐCS”, ông Lam cho biết.
Nói về những khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong DNNNN, ông Mã Quang Hưng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, chia sẻ: “Một trong những lý do DNNNN ngại thành lập công đoàn là tốn thêm thời gian dự họp, lại phải đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương đóng BHXH.
Chính vì vậy, khi các ngành chức năng tuyên truyền, vận động thành lập TCCĐ, nhiều DN viện những lý do như: lao động không ổn định, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc không có người đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm này... nhằm cố tình kéo dài thời gian hoặc né tránh thành lập TCCĐ ở đơn vị mình”.
Cần có giải pháp khả thi
Trong khi chủ DN luôn tìm cách né tránh thì chính quyền các cấp và ngành chức năng lại chưa có chế tài hiệu quả. Vì vậy, người chịu thiệt thòi nhất chính là NLĐ. Ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Lâu nay, phát triển đoàn viên và thành lập TCCĐ vẫn là hoạt động “gai góc” nhất trong các mặt hoạt động công đoàn và càng “gai góc” hơn trong bối cảnh hiện nay khi DN nhà nước dần thu hẹp, các DNNNN thì gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Khi DN chưa thành lập TCCĐ thì quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thiết thực về chế độ tiền lương, thưởng, sức khỏe, điều kiện làm việc... của NLĐ không được đảm bảo. Bên cạnh đó, NLĐ ít được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không được tham gia các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí do công đoàn tổ chức. Đặc biệt, NLĐ sẽ không tiếp cận được sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ đóng góp do công đoàn vận động như: Mái ấm công đoàn, tương trợ, thăm hỏi, tặng quà khi công nhân bị ốm đau, hoạn nạn…
Tại hội nghị ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2018-2023 giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền và yêu cầu DN thực hiện đúng Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012; đồng thời phải đưa ra những giải pháp khả thi để yêu cầu chủ các DN thành lập và tạo điều kiện cho TCCĐ hoạt động.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát về số lượng công nhân, DN; đặc biệt, phải xây dựng được quy chế phối hợp nhằm phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng góp sức trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập TCCĐ.
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần có biện pháp khả thi để tuyên truyền, vận động và yêu cầu chủ DN thành lập TCCĐ. Riêng những CĐCS đã được thành lập, trong quá trình hoạt động, cần phải chứng minh cho các chủ DN thấy được vai trò của mình là đại diện hợp pháp cho NLĐ, góp phần nâng cao vị thế của DN. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, ổn định, hài hòa trong DN.
THÁI NGỌC