Thời gian qua, huyện Đông Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực trong gia đình hiện nay; tạo khối đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.
BLGĐ xảy ra dưới nhiều hình thức, ở mọi nơi, mọi đối tượng. Nạn nhân bị BLGĐ thường là những người yếu đuối như phụ nữ, người già và trẻ em. BLGĐ đã làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình dẫn tới tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng nhiều.
Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề tiêu cực nảy sinh trong gia đình như: rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm và tác động xấu đến môi trường, giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của thanh thiếu niên...
Đặc biệt, việc che giấu hành vi bạo lực của nạn nhân, giữ thể diện và hạnh phúc giả tạo của gia đình... càng tạo điều kiện cho nạn BLGĐ tồn tại. Chính từ thực trạng trên, UBND huyện Đông Hòa đã tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ đến nhân dân thông qua các chương trình truyền thanh được phát trên Đài Truyền thanh huyện; các chiến dịch truyền thông về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới, treo băng rôn với các thông điệp về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ trên các tuyến đường, nơi tập trung đông người, trước trụ sở, cổng cơ quan, trường học, trung tâm xã, thị trấn.
Song song đó, các ngành, đoàn thể của huyện cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ trong các buổi sinh hoạt... Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục đã tạo sự đồng tình hưởng ứng trong nhân dân, làm thay đổi quan niệm, nhận thức về phòng, chống BLGĐ.
Theo Hội LHPN thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), năm 2016, thị trấn có 1 vụ BLGĐ. Từ năm 2017 cho đến nay, thị trấn chưa xảy ra trường hợp có hành vi BLGĐ. Chị Phạm Thị Tuyết Sương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hòa Hiệp Trung, cho biết nhiều chị em phụ nữ vẫn quan niệm vấn đề BLGĐ là chuyện thầm kín, chuyện riêng của mỗi gia đình “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Hoặc vì sợ xấu hổ với người thân và làng xóm..., không ít chị em chỉ biết cam chịu, không dám tìm đến sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều đó gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương, đặc biệt người làm công tác gia đình.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Ban hòa giải của thị trấn luôn tích cực nắm bắt thông tin tình hình các khu phố để có sự can thiệp, lên án kịp thời khi xảy ra BLGĐ. Nhiều thành viên trong tổ hòa giải ở các khu phố chia sẻ, để làm tốt công tác hòa giải, không chỉ dựa vào sức mình, mà còn phải biết kết hợp với các thành viên trong tổ và các tổ chức, đoàn thể liên quan.
Phải chọn những thành viên trong tổ hòa giải là người có kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ý thức kỷ luật và quan trọng là sự nhiệt huyết. Trong quá trình hòa giải, phải tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín; với những vụ việc nghiêm trọng, cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền. Sau mỗi vụ việc, các thành viên trong tổ ngồi lại với nhau, họp bàn rút kinh nghiệm. Đồng thời lên kế hoạch tiếp tục theo dõi vụ việc đó, thường xuyên đến nói chuyện để các đôi vợ chồng thật sự hiểu rõ vấn đề.
Ngoài ra, hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), từ huyện đến cấp xã ở Đông Hòa đều tổ chức nhiều hoạt động như: hội diễn văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao gia đình, tổ chức biểu dương, gặp mặt gia đình tiêu biểu xuất sắc, nói chuyện chuyên đề về công tác phòng, chống BLGĐ...
Bên cạnh đó, UBND huyện còn chỉ đạo các đơn vị liên quan đăng tải các văn bản về phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống BLGĐ, kịp thời phát hiện và hỗ trợ những trường hợp có nguy cơ bị BLGĐ; phối hợp triển khai, đưa nội dung bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ vào nội dung hương ước, quy ước; công tác hòa giải ở cơ sở, trực tiếp tư vấn pháp luật, tư vấn cho các nạn nhân trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến BLGĐ.
Theo ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hòa, dù địa phương đã triển khai các văn bản chỉ đạo và tích cực tuyên truyền, song tình trạng BLGĐ vẫn còn tồn tại. Trong thời gian tới, huyện Đông Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả việc thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ hơn nữa...
MỸ AN