Thứ Sáu, 17/01/2025 07:03 SA
Thôn tôi đã thoát nghèo
Thứ Bảy, 07/07/2018 06:00 SA

Gặp tôi tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông M, trưởng thôn X tay bắt mặt mừng thông báo: “Thôn tôi đã thoát nghèo!”. Tôi ngạc nhiên thật sự bởi đây là một thôn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, rất khó cho việc thoát nghèo.

 

Cách đây 2 năm, thôn này còn có đến mấy chục hộ nghèo, cận nghèo. Thế mà... Nghe ông nói, tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông nói tiếp: “Bà con thôn tôi thoát nghèo là nhờ chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể biết phối hợp vận động, tạo điều kiện để họ phát huy nội lực, vươn lên bằng nhiều cách phát triển kinh tế bền vững”.

 

Để giải thích thêm điều mình vừa nói, ông dẫn chứng một loạt công việc mà thôn X đã thực hiện trong thời gian qua về công tác giảm nghèo: Đầu tiên, chính quyền, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên phối hợp tổng rà soát số hộ nghèo trong thôn. Sau đó, chúng tôi phân loại hộ nghèo để có kế hoạch phân công giúp đỡ một cách phù hợp. Được một thời gian ngắn, việc này chỉ có thể giúp được một vài hộ già cả, neo đơn, giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống thường nhật, còn muốn thoát nghèo bằng nguồn này cũng rất khó.

 

Nhận thấy thôn có lợi thế về nguồn quỹ đất rộng, tương đối phì nhiêu, có thể phát triển kinh tế bằng trồng trọt, chăn nuôi, trong các cuộc họp dân, thôn đã đưa ra để bàn bạc, thảo luận, nhất là để nghe tâm tư nguyện vọng của bà con về vấn đề này. Rất nhiều ý kiến được đưa ra mà tập trung nhất là việc bà con rất muốn phát triển kinh tế bằng trồng trọt và chăn nuôi trên chính diện tích đất của mình nhưng không có vốn hoặc thiếu vốn. Hơn nữa, đa số người dân cần được tập huấn, hướng dẫn cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi.

 

Những điều bà con mong muốn cũng là trăn trở của cán bộ thôn. Để giải quyết, việc đầu tiên là tranh thủ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của các hội Nông dân, Phụ nữ với lãi suất thấp để phân bổ cho các hộ nghèo vay. Nhưng để các hộ này sử dụng vốn đúng mục đích cũng không phải dễ, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát.

 

Việc thứ hai, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh, trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Tại các lớp này, bà con đã được gợi mở nhiều vấn đề trong chọn giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật trồng xen canh các loại hoa màu để bảo đảm nguồn thức ăn chính cho các loại gia súc, gia cầm ở đây.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về vốn, kỹ thuật thâm canh nuôi, trồng quy củ, đúng đối tượng, qua gần 2 năm, người dân trong thôn từng bước thu được những kết quả phấn khởi. Việc nuôi trồng các loại gia súc gia cầm, hoa màu đã góp phần giải quyết cái ăn trước mắt. Còn các loại cây, con như mía, sắn, bò lai cho bà con thu nhập ổn định, lâu dài.

 

Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người ở thôn X đạt 7,5 triệu đồng/người/năm. Không ít hộ thu nhập hàng năm trên dưới 400 triệu đồng nhờ trồng mía, nuôi bò lai, heo rừng lai. Kinh tế khởi sắc, người dân tự nguyện giúp đỡ các hộ khó khăn xóa nhà tạm. Toàn thôn chỉ còn một nhà tạm và sẽ được hỗ trợ xây dựng lại vào cuối năm nay.

 

Nghe ông giải thích, tôi mới vỡ ra được nhiều điều về công tác dân vận, nhất là hiệu quả của công tác phối hợp vận động, tuyên truyền giữa chính quyền, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên.

 

NHÂN VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek