Thứ Sáu, 17/01/2025 06:52 SA
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh vật nuôi trong mùa nắng nóng
Thứ Bảy, 07/07/2018 10:18 SA

Người dân bổ sung thức ăn thô xanh cho gia súc trong mùa nắng nóng - Ảnh: THỦY TIÊN

Thời tiết đang vào kỳ nắng nóng cao điểm, là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát sinh và gây hại đến đàn vật nuôi. Để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người dân cùng các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y xung quanh vấn đề này.

 

* Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh ở vật nuôi hiện nay như thế nào?

 

- Từ đầu năm đến nay, nhờ thực hiện tốt công tác thú y nên tình hình dịch bệnh ở vật nuôi được kiểm soát chặt. Tính đến thời điểm này trên toàn tỉnh, đàn trâu có khoảng 5.900 con, đàn bò 196.400 con, đàn heo hơn 99.200 con, đàn gia cầm 3,9 triệu con. Đàn vật nuôi của tỉnh đang ổn định, chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nào. Tuy nhiên, thời tiết đang bước vào những tháng cao điểm của mùa nắng nóng với nền nhiệt cao là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại vi rút phát sinh gây hại đàn vật nuôi. Cùng với đó, người chăn nuôi đang tập trung phát triển đàn, việc mua bán, vận chuyển con giống cũng sôi động hẳn nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát tăng theo.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm

* Vậy theo ông, những loại dịch bệnh và khu vực nào có nguy cơ bùng phát dịch trong điều kiện thời tiết hiện nay?

 

- Đối với gia súc, các loại dịch bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng bao gồm bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò, bệnh tai xanh và tiêu chảy ở heo... Ở gia cầm, mùa này thường phát sinh các loại bệnh như tụ huyết trùng, cầu trùng, đi phân trắng, khô chân, tả, cúm. Đặc biệt, dịch bệnh dễ phát sinh bùng phát thành dịch ở những đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng đầy đủ hoặc đàn vật nuôi khỏe mạnh được vận chuyển từ nơi khác đến vùng có ổ dịch cũ. Các khu vực có mật độ chăn nuôi dày, chợ mua bán động vật, sản phẩm động vật và những khu vực giết mổ động vật cũng là những điểm dễ phát sinh dịch bệnh.

 

* Ngành Thú y đã làm gì để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh?

 

- Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chi cục đã triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc sát trùng môi trường trên toàn tỉnh. Theo đó, đơn vị đã cấp phát thuốc sát trùng về cho tất cả các địa phương; đồng thời phối hợp phun tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi, mua bán, giết mổ động vật trên toàn tỉnh để tiêu diệt vi rút, hạn chế mầm bệnh trong môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho khoảng 123.200 con gia súc, đạt gần 88%; tiêm được gần 39.300 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, 259.000 liều vắc xin cúm gia cầm và đang tiếp tục tiêm bổ sung.

 

Hiện chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố củng cố lại mạng lưới thú y cơ sở, tập trung rà soát đàn vật nuôi để có biện pháp kiểm soát hiệu quả. Trong đó, các trạm đặc biệt lưu ý đến những ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi tập trung, những chợ buôn bán gia súc, gia cầm và những cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, vì đây là những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, đảm bảo việc phát hiện, xử lý dịch kịp thời, nhanh chóng trong trường hợp xảy ra dịch.

 

Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các chốt, trạm kiểm dịch nhằm hạn chế tình trạng gia súc, gia cầm chưa được kiểm dịch vận chuyển ra vào tỉnh. Công tác kiểm soát giết mổ cũng được tăng cường, đảm bảo toàn bộ vật nuôi khi đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh, cung cấp ra thị trường đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh thú y.

 

* Người chăn nuôi cần phải làm gì để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thưa ông?

 

- Hiện nay, thời tiết nắng nóng nên vật nuôi thường uống nhiều nước và ăn ít khiến sức khỏe giảm sút, bà con nên thường xuyên bổ sung các khoáng chất, vitamin... để giúp vật nuôi nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng. Đặc biệt, tại các khu vực miền núi với tập quán chăn thả rông, phụ thuộc thức ăn tự nhiên, trong khi đó, mùa này lượng thức ăn khan hiếm nên gia súc thường bị thiếu ăn, bà con cần quan tâm bổ sung đầy đủ thức ăn, muối khoáng giúp vật nuôi đảm bảo sức khỏe, có sức kháng lại vi rút gây bệnh. Với nền nhiệt cao trên 30 độ C như hiện nay, bà con cần thực hiện nhiều giải pháp để chống nắng nóng cho vật nuôi như cung cấp đủ nước uống, che chắn thêm mái chuồng để giảm nóng, hạn chế đưa vật nuôi đi ăn ở những thời điểm nắng gay gắt để tránh bị say nắng, kiệt sức...

 

Người chăn nuôi cũng cần quan tâm đến việc vệ sinh môi trường. Chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi phải được thu gom, xử lý; chuồng trại chăn nuôi phải được vệ sinh hàng ngày; khử độc bằng vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần. Đồng thời, người chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa bệnh cho vật nuôi đã được ngành khuyến cáo, đây là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu nhất cho vật nuôi. Bà con cũng cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe vật nuôi thường xuyên để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện vật nuôi có những dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được chẩn đoán, xác định bệnh điều trị, bao vây khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Khi gia súc, gia cầm chết thì không vứt xác ra môi trường mà phải báo cho cơ quan thú y và xử lý bằng cách chôn lấp, tiêu hủy theo quy định...

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek