Thôn Phước Thành Nam (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) có nhiều mô hình tự quản mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Mới đây, thôn này được chọn làm thí điểm xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường (BVMT) và được Mặt trận tỉnh chọn báo cáo điển hình tại hội nghị giao lưu các khu dân cư trên toàn tỉnh.
Thôn Phước Thành Nam có 250 hộ. Trong khu dân cư có 7 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 160 hộ chăn nuôi bò, hàng chục hộ sống bằng nghề làm bún, tráng bánh tráng, nấu rượu... Các nghề này góp phần đưa đời sống kinh tế của người dân ngày càng phát triển, ổn định nhưng cũng có những tác động không nhỏ đến môi trường sống của khu dân cư.
Vì lợi ích của dân
Ông Lương Công Ca, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Phước Thành Nam, cho biết trước khi Phước Thành Nam được chọn làm điểm xây dựng mô hình tự quản về BVMT, Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp với chi bộ, ban nhân dân thôn tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, các tiêu chí về BVMT được đặt lên hàng đầu.
“Từ khi được chọn làm thí điểm thực hiện các mô hình về BVMT, chúng tôi đã họp Ban Công tác Mặt trận, phân công các tổ chức thành viên xây dựng các mô hình. Các mô hình này đều đặt lợi ích của người dân lên trên hết, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường thôn luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp. Bà con đã nâng cao ý thức, kiến thức để đấu tranh khắc phục các thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng xâm hại đến môi trường”, ông Lương Công Ca chia sẻ.
Đến nay, Ban Công tác Mặt trận thôn Phước Thành Nam đã phối hợp với các chi, tổ hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân, người cao tuổi xây dựng được 7 mô hình tự quản.
Cụ thể, Chi hội Phụ nữ vận động hội viên thực hiện các mô hình: “Quỹ Quay vòng vốn vệ sinh - môi trường”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”. Chi đoàn Thanh niên đẩy mạnh công tác BVMT bằng các mô hình: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”. Các mô hình này đều tập trung vận động trong đoàn viên, hội viên đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, thu gom rác thải, nâng cao ý thức phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chi hội Nông dân thực hiện mô hình “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”. Từ đó tạo thói quen thường xuyên dọn vệ sinh trong từng ngõ xóm, trở thành nét văn hóa, góp phần BVMT sống trong lành.
Chi hội Người cao tuổi đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - gương sáng”. Những hội viên cao tuổi đều làm gương trong thực hiện các quy ước, hương ước như: chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh tự hoại, thu gom rác, làm hàng rào, trồng cây xanh, hoa các loại, tạo cảnh quan thoáng đãng. Nổi bật trong việc thực hiện các phong trào này là các hộ Đặng Thành Long, Võ Minh Đức, Phan Đức Khương… Hôm chúng tôi có dịp “mục sở thị” những mô hình BVMT ở Phước Thành Nam, đang trồng thêm mấy khóm hoa mười giờ trước cổng nhà mình, ông Đặng Thành Long cho biết: “Từ khi thực hiện các mô hình tự quản về BVMT, cảnh quan môi trường trong thôn thay đổi rất nhiều. Nhất là công tác vệ sinh luôn được bảo đảm. Điều mà ai cũng thấy rõ, chính người dân được thụ hưởng từ việc làm này. Tôi đơn cử như việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi đã hạn chế mùi hôi bốc lên trong những ngày nóng bức như thế này, bệnh tật do các loại côn trùng gây ra cũng giảm hẳn...”.
Nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao
Nếu ai từng đến Phước Thành Nam trước đây, nay có dịp quay lại đều cảm nhận được sự thay đổi rõ nét của vùng quê này. Nhờ kinh tế phát triển, các hộ dân xây dựng nhà cửa khang trang, thoáng, đẹp; có đến 80% hộ có tường rào, cổng ngõ được xây dựng kiên cố, thẳng tắp. Hầu như gia đình nào cũng trồng, chăm sóc tốt các loại hoa, cây cảnh trước nhà.
Vấn đề rác thải được người dân nhắc nhở nhau và tự giác tập trung đúng nơi, đúng thời gian quy định. Tình trạng đổ rác, vứt xác súc vật xuống lòng kênh mương nội đồng không còn. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được xây dựng kiên cố, cách xa nơi ở, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia...
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân áp dụng các công nghệ mới để giảm mạnh hơn nữa ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, như sử dụng công nghệ sinh học, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ sẽ được ký cam kết BVMT. Các gia trại chăn nuôi tập trung quy mô trên 1.000 con có báo cáo đánh giá tác động môi trường”, ông Ca cho biết.
Nhận xét về việc xây dựng các mô hình tự quản của thôn Phước Thành Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Phong Hà Quang Trung khẳng định: “Phước Thành Nam là thôn được chọn làm điểm xây dựng các mô hình tự quản về BVMT của xã Hòa Phong.
Nhờ sáng tạo, sâu sát trong cách làm, các mô hình được xây dựng phù hợp với thực tiễn của thôn đem lại hiệu quả tốt. Từ những kết quả này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, báo cáo cụ thể lên các cấp để nhân rộng ở nhiều địa bàn khác trong xã”.
HÀ THU