Ông Mạnh Thế Bình (người trong xóm gọi là Chín Bình) ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) còn giữ đôi nừng, một vật dụng gia đình mà hiện nay rất hiếm có gia đình nào ở vùng nông thôn còn giữ được.
Cũng giống như ky, thúng để gánh gồng, đôi nừng bằng tre chính tay cha ông Chín Bình đan rồi “sang gánh” qua vai má ông, sau đó đến gia đình ông. Tính ra đến nay, gia đình Chín Bình đã “gánh” đôi nừng qua nửa thế kỷ.
Gánh nừng chạy giặc
Ông Chín Bình cho hay, hồi còn sống má ông kể, đôi nừng này có từ thời chiến tranh chống Mỹ, lúc gia đình đi tản cư, ba ông gánh đôi nừng một đầu gạo muối, một đầu xoong nồi, nước mắm, cá mặn chạy lên soi Bà Năm rồi qua Gò Ổi, có khi đi cả ngày dài lên tận Thác Dài (thuộc xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân). Má ông nói, đôi nừng do chính tay cha ông đan để gánh đi tản cư trước khi bà sinh ra ông. Chín Bình năm nay 49 tuổi, vậy nên ông “nghiệm ra” đôi nừng “già” hơn ông và có ít nhất 50 năm. Rồi cha ông mất lúc ông 3 tuổi. Khi ấy, đôi nừng “sang gánh” qua vai má ông. Lúc tản cư chạy giặc bà gánh đôi nừng đi trước, 4 đứa con lẽo đẽo theo sau. Má ông mất cách đây 5 năm, ông là con út trong gia đình nên được “thừa kế” đôi nừng.
Ông Chín Bình nhớ lại, hồi ông còn nhỏ, má ông hay sai ông bưng nắp nừng qua nhà hàng xóm mượn gạo. Đổi chát cũng quy ra nắp nừng, chẳng hạn như đổi ký sứa (người dân vùng biển ở chợ Giã, từ Tuy An gánh sứa lên trên này đổi) lấy 2 nắp nừng lúa. Đến mùa thu hoạch, lúa đầy bồ, gánh lúa đi xay gạo, đàn ông sức dài vai rộng, gánh đôi nừng còn chồng lên trên 2 nắp nừng lúa nữa. Hồi đó ở chợ quê, phụ nữ gánh đôi nừng đi chợ. Người bán bún lật ngửa nắp nừng lót lá chuối rồi để bún lên trên, bán hết lớp này lấy tiếp lớp khác bán, sạch sẽ không có ruồi bu kiến đậu. Còn người bán gạo, xúc ít gạo “bày” trên nắp nừng để người mua biết gạo trắng, hẩm mà tìm lựa mua. Có người gánh đôi nừng vải Mỹ A, Sa Tanh đi bán dạo khắp xóm…
Hồi má ông còn đi lại được, bà để đôi nừng đứng “cặp kè” cạnh cửa sổ trên đầu giường. Một cái nừng bà đựng các vật dụng hàng ngày; một cái nừng bà đựng thức ăn. Ngày Tết dùng nắp nừng bưng cơm, canh cúng ông bà…
Đôi nừng “theo suốt” ông Chín Bình từ lúc nhỏ đến lúc ông nhổ giò. Lúc mới lớn chưa đủ tiêu chuẩn chiều cao để gánh nừng vì đôi nừng đụng đất nên má ông “làm thế”, quấn nhiều bận dây nừng quanh mối đòn gánh, có khi cột túm dây để thu dây ngắn lại treo trên đòn gánh để khi gánh chân nừng không đụng đất. Chín Bình mồ côi cha, nhà không có đàn ông nên Chín Bình làm lụng sớm phụ má. Hồi đó ông gánh đôi nừng lúa đi trên bờ ruộng, bước qua bờ mương.
Gia đình ông Chín Bình là gia đình có công cách mạng, hiện ông đang thờ phụng quản Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Mạnh Thái Hùng, anh ruột của ông. Trên vách nhà, ông treo Huân chương Kháng chiến hạng ba, gia đình cách mạng vẻ vang.
Đôi nừng trong ký ức
Ở thôn Thạnh Đức có một làng nghề truyền thống đan đát ky giỏ, rổ rá bằng cây mò o (giống như cây lồ ô nhưng nhỏ hơn), là làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Đồng Xuân. Trong số những người thợ đan đát hiện có tay nghề “lão làng” là ông Nguyễn Chín (86 tuổi), người chuyên đan đát ky, giỏ, rổ rá. Ông Chín cho biết: “Tôi đan nong, nia, trẹt, ky, giỏ, rổ, thậm chí đan cả cái vịt, cái đục đựng cá và đôi nừng. Nhưng mấy chục năm nay tôi chỉ duy trì đan ky, giỏ còn đan nừng và các vật dụng khác không có ai đặt hàng nên bỏ nghề lâu rồi”.
Cũng theo ông Chín, đan nừng khó ở chỗ, khi gầy đan mê sau đó đan giáp vòng “bó” lại thành vòng tròn, kỹ thuật đan rất tinh xảo, người có tay nghề cao mới đan được. Đan nừng cầm công vì đan nừng phải “túm” miệng (chỗ đậy nắp). Nừng có chân nên khi đan xong phải vót thanh tre “bó” chân nữa. Chân của nừng làm bằng hai thanh tre chéo lại nhau. Chính vì có chân nên nừng có kích thước cao, giá trị hơn ky, thúng. “Cây tre già vàng óng, chặt vót nan, người kỹ tính đem thui lửa rồi đan nừng mới có sức bền. Khi luồng sợi dây bao “ôm” đít nừng tròng lên miệng nừng, tại đây chừa ra một đoạn dài để móc vào đầu đòn gánh, khi gánh, một đầu dây nừng “bưng” sức nặng nửa tạ. Khi đặt xuống đất, chân đôi nừng chịu đựng sức nặng nửa tạ đó”, ông Chín cho biết.
Sau ngày đất nước giải phóng, khi đời sống người dân dần khấm khá, đồ nhôm, đồ nhựa nhiều mà rẻ… thì đôi nừng mất dạng trong xóm này trên 20 năm nay. Lớp trẻ ở quê bây giờ không đứa nào biết đến đôi nừng, đừng nói chi lớp trẻ ở thành phố. Lâu rồi ông Chín Bình không nghe ai nhắc đến từ đôi nừng nữa.
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: “Gia đình ông Mạnh Thế Bình (Chín Bình) là gia đình có công cách mạng nên hiện gia đình ông thuộc diện chính sách của xã. Hiện gia đình ông còn lưu giữ đôi nừng từ thời chiến tranh là vật dụng quý hiếm”.
MẠNH HOÀI NAM