Để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số, Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em” được triển khai cùng với mong muốn cộng đồng sẽ thực hiện tốt hơn các quy định của Luật Trẻ em, đưa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 80 “về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Chỉ thị 18 “về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vào cuộc sống.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng internet
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Thời gian qua, nhiều chính sách và chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, giải quyết nhiều vấn đề trẻ em; nhiều nguồn lực của xã hội với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích như đuối nước, tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra và đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận cần quan tâm giải quyết. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ số đang làm thay đổi thế giới từng ngày. Xã hội nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: cơ hội khai thác tiếp cận thông tin và tri thức vô tận; thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số.
Em Trần Phương Linh, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Du (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Trong cuộc sống và học tập ngày nay, chúng em rất cần có máy vi tính nối mạng internet để tra cứu thông tin, kết nối bạn bè và tìm kiếm những kiến thức nâng cao để trau dồi kỹ năng, giao lưu, học tập. Chúng em cũng rất thận trọng trong việc kết bạn. Em thấy trong môi trường mạng, các bạn dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, nghiện game… Nếu coi thế giới mạng là nơi nâng cao kiến thức, thư giãn sau những giờ học căng thẳng thì đó là sự kết hợp tốt để giảm stress, lấy lại năng lượng để tiếp tục cho công việc học tập, nếu quá sa đà sẽ xao nhãng học hành, hậu quả khó lường”.
Em Lê Trần Minh Hương, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Ở trường, những xích mích vụn vặt ở lớp về các vấn đề trên mạng xã hội, chuyện hàng ngày luôn diễn ra, các bạn rất hay tranh cãi. Các bạn sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... để kết nối bạn bè khắp nơi nhưng không biết ai xấu, ai tốt… rồi bị dụ dỗ lôi kéo, thậm chí làm chuyện trái đạo đức, vi phạm pháp luật… Chính vì thế, mỗi khi phát hiện bạn có vấn đề là chúng em báo với thầy cô giáo, phụ huynh để kịp thời ngăn chặn”.
Sử dụng mạng xã hội phải an toàn, lành mạnh cho trẻ em
Đó là một trong những thông điệp của Tháng Hành động vì trẻ em năm nay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các điểm vui chơi cho trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu; công tác bồi dưỡng giáo dục kỹ năng tự bảo vệ trẻ em còn hạn chế, đặc biệt là trong thế giới công nghệ số, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay mà theo các chuyên gia đánh giá còn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra những tác hại cho trẻ em.
Theo ông K’Sor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng sâu sắc khi hàng ngày bên cạnh chúng lúc nào cũng có điện thoại di động, máy nghe nhạc, iPad, truyền hình cáp, internet, game. Nhiều trẻ không được bố mẹ hoặc người lớn chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của “kẻ săn mồi” internet và một số trẻ khác thì nghiện video game, làm cho chúng không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với các trẻ khác; điều này thật sự nguy hiểm.
Trong tháng hành động này và thời gian tới, huyện Sông Hinh sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi những nguy hại của mạng xã hội. “Hy vọng rằng những vấn nạn xấu liên quan đến trẻ em sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi; bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại trực tuyến như lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em. Đồng thời cần dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng; nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em”, ông K’Sor Y Phun nói.
Phát biểu chỉ đạo nhân lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là gia đình và nhà trường cần hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn. Đồng thời, người lớn phải lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet.
Vì vậy, để Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018 được diễn ra với ý nghĩa, nội dung theo chủ đề, đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi tổ chức xã hội, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và toàn xã hội cần nỗ lực quyết tâm cao đi đôi với những hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của xã hội trong công tác trẻ em; nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số...
Các thông điệp Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018:
Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em. Mùa hè không còn trẻ em đuối nước. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em Công nghệ số - thông tin và tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển. Sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em. |
KIM CHI