Hiện đang vào mùa nắng nóng, là thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh. Để phòng chống hiệu quả loại bệnh nguy hiểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.
Nhiều trường hợp bị chó cắn
Nhiều tháng qua kể từ khi bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) mất do bị chó dại cắn, đến nay, người dân ở địa phương này vẫn chưa hết lo sợ. Bà Nguyễn Thị Tâm ở gần nhà bà Hoa cho biết: Lâu nay, nhà bà Hoa không nuôi chó. Bữa đó, trên đường đi chợ về, bà Hoa thấy con chó ai bỏ nên nhặt về nuôi, nhưng sau đó bị nó cắn nên đem thả.
Tuy nhiên, do chủ quan không đi tiêm ngừa nên khoảng 2 tháng sau kể từ ngày bị con chó này cắn, bà Hoa đã phát bệnh dại và chết. Không chỉ cắn bà Hoa, con chó này còn cắn nhiều người khác ở địa phương, nhưng nhờ đi tiêm ngừa bệnh dại nên mọi người đều không sao. Kể từ khi bà Hoa mất do chó dại cắn, các hộ có nuôi chó ở trong xóm đều đưa chó đi tiêm phòng vắc xin dại. Gia đình tôi cũng tiêm vắc xin cho con chó ở nhà.
Theo ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, cuối năm 2017, địa phương này cũng có 1 trường hợp tử vong vì bị chó dại cắn. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Kim Chi ở thôn Phú Quý, xã An Chấn. Gia đình bà Chi xin con chó nhỏ của một người quen ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) về nuôi và bà Chi bị con chó này cắn. Sau đó vài ngày, con chó chết nhưng gia đình bà không nghĩ nó chết vì bệnh dại nên bà chủ quan không tiêm ngừa. Khoảng 3 tháng sau thì bà Chi phát bệnh dại và qua đời.
Trong khi đó, khoảng 2 tuần qua, hơn chục người dân ở phường 6, TP Tuy Hòa (đoạn giao giữa Trần Hưng Đạo với Lê Duẩn) cũng bị một con chó hoang cắn, người dân đã đập chết con chó này. Ông Năm Trực, một người bị chó cắn cho biết: Chúng tôi không biết con chó từ đâu đến, mới sáng sớm mọi người đang dọn hàng bán đồ ăn sáng thì nó chạy tới cắn liền nhiều người. Mặc dù vết cắn ở chân tôi không sâu nhưng tôi vẫn đến cơ sở y tế để chích ngừa.
Thống kê từ Sở Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2018, các cơ sở y tế của tỉnh đã tư vấn và tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại cho hơn 1.600 người bị chó, mèo cắn, số người bị cắn nhiều gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa là các địa phương có số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm ngừa nhiều nhất và trường hợp người bị chó cắn chiếm đa số.
Cũng theo sở này, đây chỉ là số liệu mà đơn vị thống kê được khi người bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng. Khả năng còn rất nhiều trường hợp khi bị vật nuôi cắn, người dân không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng mà tự điều trị, vì vậy số người bị chó, mèo cắn có thể còn cao hơn.
Chủ động phòng ngừa
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời tiết nắng nóng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho vi rút gây bệnh dại ở động vật phát sinh và bùng phát thành dịch. Để phòng ngừa hiệu quả loại bệnh nguy hiểm này, chi cục đang triển khai tiêm phòng vắc xin dại. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin dại cho gần 11.000 con chó/tổng đàn khoảng 27.000 con, tỉ lệ tiêm phòng hiện còn quá thấp.
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết tính chất nguy hiểm của bệnh dại đối với vật nuôi và con người. Đồng thời hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng bệnh và kế hoạch tiêm phòng vắc xin bệnh dại của ngành Thú y để phối hợp thực hiện.
Hiện nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương cũng cử lực lượng trực tiếp phối hợp cùng với cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và ban nhân dân thôn, khu phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện chó, mèo nghi bị dại hoặc bị dại tại địa phương để kịp thời xử lý, khoanh vùng kiểm soát, không để bệnh dại bùng phát, gây nguy hiểm tính mạng con người.
Bên cạnh đó, để khống chế và phòng ngừa hiệu quả bệnh dại, người nuôi phải nâng cao ý thức và tích cực phối hợp. Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Đào Tấn Hữu cho biết: Địa phương đã thành lập tổ tiêm phòng với sự tham gia của các hội đoàn thể, ban nhân dân các thôn và cán bộ thú y. Tổ tiêm phòng trực tiếp đến từng hộ dân để thống kê đàn chó, mèo nuôi, vận động bà con đưa vật nuôi đi tiêm phòng vắc xin dại theo quy định.
Đồng thời, lực lượng này còn hướng dẫn cho người dân những dấu hiệu nhận biết vật nuôi bị mắc bệnh dại, cách xử lý trong trường hợp bị vật nuôi cắn... Nhờ vậy, người dân đã tích cực tham gia tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi. Theo bà Lê Thị Thanh Hòa ở xã này, mới đây bà đã tiêm phòng vắc xin dại cho 3 con chó của gia đình. Mỗi liều vắc xin dại chỉ tốn hơn 20.000 đồng nhưng sẽ giúp bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng cả gia đình nên bà không tiếc tiền.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, để có thể khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại ở vật nuôi và người, các địa phương cần thống kê đầy đủ đàn chó, mèo để có kế hoạch tiêm phòng cụ thể; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng; tiêu hủy bắt buộc chó, mèo mắc bệnh dại. Vật nuôi nghi mắc bệnh dại phải được nuôi nhốt cách ly theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh dại phải tiêu hủy.
Chủ vật nuôi phải chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi theo quy định; đảm bảo điều kiện chăn nuôi hợp vệ sinh và an toàn cho người. Trường hợp chó, mèo nuôi không tiêm phòng sẽ bị tiêu diệt và chủ nuôi bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y...
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người, là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng do vi rút lyssa và vesiculo gây ra. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến vài tháng hoặc lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh vi rút có thể gây nhiễm bệnh cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt động vật mắc bệnh kể cả khi động vật chưa có các dấu hiệu lâm sàng. |
THỦY TIÊN