Chủ Nhật, 27/10/2024 11:37 SA
Bạo hành y tế: Những nắm đấm giáng vào cộng đồng y khoa
Thứ Ba, 24/04/2018 13:00 CH

Thầy thuốc cũng là con người, có khác chăng là họ đã chọn nghề Y nên phải làm việc luôn trưa luôn tối, không có ngày lễ, Tết, không có những bữa cơm trọn vẹn bên gia đình… Chọn nghề Y, họ chấp nhận làm việc với cường độ cao, áp lực lớn, phơi mình trước những nguy cơ, rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Xin đừng để họ vừa chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa nơm nớp lo cho sự an nguy của chính mình!

 

Người nhà bệnh nhi hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn (ảnh từ camera của bệnh viện)

 

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) vừa khởi tố bị can đối với Trương Văn Thanh (32 tuổi, ở quận Ba Đình) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Thanh chính là người đã đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn, khi bác sĩ này giải thích về cách xử trí vết thương cho con trai anh ta.

 

Hình ảnh đó được camera của bệnh viện ghi lại và đã làm “nóng” các báo mạng trong những ngày qua, khiến bất kỳ ai có lương tri đều sửng sốt, phẫn nộ. Sự việc xảy ra lúc 23 giờ 30 ngày 13/4, tại Khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn. Lúc này, những người làm việc trong các ngành nghề khác đã nghỉ ngơi; nhiều người đã ngủ. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn, như bao đồng nghiệp của anh - vì đã chọn một nghề hết sức đặc thù - nên vẫn làm việc. Một công việc ngày càng gặp nhiều nguy hiểm!

 

Đoạn video bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi hành hung đã làm buổi sáng của tôi biến mất, chỉ còn lại cảm giác giận dữ và đau. Tôi nghĩ, cha mẹ, anh chị em của bác sĩ đó, nếu xem clip này, không khỏi bật khóc vì đau đớn.

 

Khi con em họ thi đậu, bước qua cánh cửa rất hẹp của trường Y, chắc hẳn họ tự hào biết bao. Khi con em họ vượt qua 6 năm đại học, cầm tấm bằng tốt nghiệp và tìm được chỗ làm ở một bệnh viện như Xanh Pôn, chắc hẳn họ vui sướng biết bao. Làm sao có thể ngờ rằng đến một ngày, con mình bị người nhà bệnh nhân hành hung trong lúc đang làm việc!

 

Và những ông bố bà mẹ nghèo khó, chắt chiu mồ hôi nuôi con học ở trường Y không thể ngờ rằng con mình có thể bị đánh, bị sỉ nhục bằng cách bắt phải quỳ… trong lúc đang làm việc tại bệnh viện. Rồi khi vụ việc được thông tin, thay vì lên án hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín của thầy thuốc, một số người lại đặt câu hỏi: “Bác sĩ đã nói gì với người nhà bệnh nhân để bị đánh?” “Chắc phải thế nào thì mới bị đánh chứ?”. Những câu hỏi kiểu như thế chính là nắm đấm tiếp theo, rất mạnh và tàn nhẫn, của dư luận giáng vào người thầy thuốc, vào cộng đồng y khoa.

 

“Phải thế nào” là thế nào? Nếu bác sĩ giải thích không rõ ràng, chậm trễ trong việc xử trí vết thương… thì “xứng đáng” bị hành hung ư? Đến bất kỳ cơ quan nào để giải quyết công việc, nếu nhân viên công quyền chậm trễ, thậm chí gây khó dễ, có ai dám dùng nắm đấm để “nói chuyện”, hay dù bực bội đến đâu thì vẫn cứ phải “đi nhẹ nói khẽ”? Vậy thì tại sao chỉ ở các cơ sở y tế, khi không vừa ý điều gì thì người nhà bệnh nhân/bệnh nhân có thể lớn tiếng quát tháo, sỉ nhục, hành hung thầy thuốc? Vì họ biết, giờ đây, đối với nhân viên y tế, mình là khách hàng, là trung tâm. Khách hàng là thượng đế. Khách hàng luôn luôn đúng, còn thầy thuốc thì không thể phản kháng!

 

“Chắc phải thế nào thì mới bị đánh chứ?”. Từ bao giờ, một số người chọn bạo lực để giải quyết vấn đề, tại một nơi rất đặc thù, là bệnh viện? Từ bao giờ, chúng ta thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, và xem việc gây tổn hại đến sức khỏe, đến sự an nguy của thầy thuốc là rất… bình thường? Vì ngành Y có những “con sâu làm rầu nồi canh”? Người ta vin vào những “con sâu” đó và tự cho mình có quyền sỉ nhục, bạo hành thầy thuốc, không cần biết có bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng… phải đi sớm về muộn, chong mắt suốt đêm nơi “tuyến đầu” của bệnh viện; bao nhiêu thầy thuốc chấp nhận phơi nhiễm tia phóng xạ, đối mặt với nguy cơ bị lây các bệnh truyền nhiễm; bao nhiêu thầy thuốc tận tụy chăm lo cho sức khỏe của người dân mà quên đi bản thân mình!

 

Có phải những người thầy thuốc đang đơn độc - Câu hỏi đó như tiếng vọng day dứt sau vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn. Từ đầu tháng 4 đến nay, đây là vụ hành hung nhân viên y tế thứ ba được thông tin trên mặt báo, và có lẽ chưa phải là vụ cuối cùng trong năm 2018. Vì vậy mà ngành Y tế phải cầu viện đến sức mạnh của lực lượng vũ trang. Ngày 17/4, trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ”.

 

Chợt nghĩ, để các thầy thuốc ứng phó với công việc ngày càng nguy hiểm, lẽ nào trường Y phải đưa võ thuật vào giảng dạy, và các bệnh viện phải trang bị võ thuật cho nhân viên y tế? Thì đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Phương (tỉnh Phú Thọ) đã thuê võ sư dạy võ cho thầy thuốc để ứng phó với nạn bạo hành y tế đã đến mức báo động. Vẫn biết học võ tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao thể lực và tự tin hơn khi ứng phó với những xung đột, bất trắc, nhưng khi đọc bài viết về việc các thầy thuốc học võ để phòng thân, tôi rất chạnh lòng, vì điều đó cho thấy sự đơn độc của những người làm nghề Y.

 

Thầy thuốc cũng là con người, cũng biết vui biết buồn, cũng mệt mỏi, căng thẳng những khi phải làm việc quá sức; cũng lo lắng, thiếu tập trung những khi con ốm, cha mẹ già ở quê bệnh đau; cũng có thiếu sót, sai lầm như bao người… Có khác chăng là họ đã chọn nghề Y nên phải làm việc luôn trưa luôn tối, không có ngày lễ, Tết, không có những bữa cơm trọn vẹn bên gia đình… Chọn nghề Y, họ chấp nhận làm việc với cường độ cao, áp lực lớn, phơi mình trước những nguy cơ, rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Xin đừng để họ vừa chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa nơm nớp lo cho sự an nguy của chính mình!

 

Khi nào bạo hành y tế chưa được ngăn chặn triệt để bằng những chế tài đủ sức răn đe, đủ sức phòng ngừa riêng và giáo dục chung, xin đừng đòi hỏi người thầy thuốc tận tâm với nghề, tận lực cống hiến!

 

Nạn bạo hành y tế ngày càng phổ biến đến mức báo động, một phần là do sự nhìn nhận của người dân đối với thầy thuốc đã khác trước. Bất cứ hành động chậm trễ nào trong điều trị đều bị suy diễn, cho rằng thầy thuốc thờ ơ, vòi vĩnh “phong bì”. Người dân không biết rằng trường hợp nào cần cấp cứu, trường hợp nào cần ưu tiên xử trí trước, trường hợp nào có thể xử trí sau… Việc người dân không tôn trọng thầy thuốc một phần là do lỗi của thầy thuốc, đâu đó vẫn còn tình trạng vòi vĩnh. Tuy nhiên, những vụ bạo hành y tế được ghi nhận thì không phải do lỗi của thầy thuốc mà xuất phát từ người dân; một số trường hợp xuất phát từ việc tư vấn của thầy thuốc chưa được tốt.

 

Theo tôi, pháp luật cần điều chỉnh, có những quy định phù hợp để bảo vệ người thầy thuốc khi họ đang chăm sóc sức khỏe nhân dân, chống bạo hành y tế, chống sự can thiệp thô bạo vào việc chữa trị. Phải có chế tài đủ mạnh thì mới phòng chống nạn bạo hành y tế, và các cơ quan báo chí nên truyền thông mạnh mẽ để nâng cao ý thức của người dân.

 

Bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên

 

Lâu nay, hễ xảy ra bạo hành y tế, dư luận “mặc định” rằng nhân viên y tế có lỗi. Chính vì vậy, những người có xu hướng bạo lực tự cho mình có quyền giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực. Để chấm dứt tình trạng bạo hành y tế, xã hội cần có cái nhìn công bằng và đúng đắn hơn đối với những người làm việc trong ngành Y. Song song đó, mối quan hệ giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được xây dựng theo hướng cởi mở hơn. Sự tham gia tích cực của lực lượng công an tại các bệnh viện cũng là một giải pháp nhằm ngăn chặn bạo hành y tế.

 

Học võ để rèn luyện sức khỏe là tốt, song tôi không khuyến khích việc học võ để ứng phó với nạn bạo hành y tế. Đây không phải là cách giải quyết tận gốc vấn nạn bạo hành y tế.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek