Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đông Hòa đã chủ động triển khai nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình mang lại kết quả kinh tế cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình nông dân trong huyện. Đây là đơn vị tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Khối thi đua cụm đồng bằng năm 2017.
Tạo điều kiện cho hội viên sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa, để phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt kết quả thiết thực, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ về giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân làm ăn phát triển sản xuất.
Trong năm qua, ngoài việc vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, địa phương để nâng cao năng suất, Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng hoa ly, kỹ thuật nuôi tôm và phòng chống dịch bệnh thủy sản, kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu, trồng chuối cấy mô, trồng đậu xanh; tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hội thảo về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cho gần 3.000 lượt hội viên, nông dân trong toàn huyện.
Để giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, Hội đã phối hợp với ngành ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Năm 2017, thông qua Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội đã tín chấp cho hơn 7.000 lượt hộ được vay với số tiền gần 179 tỉ đồng; giải ngân gần 250 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh phân bổ tại 2 xã Hòa Tân Đông và Hòa Xuân Tây để hội viên đầu tư nuôi bò sinh sản.
“Ngoài việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện Đề án 24 - ĐA/HNDTW của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện đã xây dựng điểm một chi hội nghề nghiệp khai thác thủy sản tại khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung với 59 hội viên; một tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm tại khu phố Phú Thọ 3 với 24 hội viên; xây dựng đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Đông Hòa giai đoạn 2017-2025… tạo điều kiện cho hội viên đẩy mạnh sản xuất”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa Nguyễn Văn Thư cho biết thêm.
Nhiều mô hình hiệu quả
Với những cách làm hay, thiết thực trong công tác Hội và phong trào nông dân, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh làm ăn hiệu quả đã được phát huy và nhân rộng tại địa phương như mô hình trồng sen cao sản tại xã Hòa Xuân Tây và Hòa Xuân Đông; mô hình trồng rau má sạch tại xã Hòa Thành; mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học, trồng nấm rơm tại thị trấn Hòa Vinh cùng với các mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, nuôi tôm cao triều… cho nông dân thu nhập khá hơn.
Từ một hộ cận nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn Định ở xã Hòa Thành đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng rau má sạch. Theo lời ông Định, để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 6 đứa con ăn học, ông đã học cách trồng rau màu của người dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Ban đầu vợ chồng ông chuyển 8 sào đất lúa bị nhiễm phèn sang trồng dưa leo, bắp, khổ qua…; bình quân mỗi vụ sản xuất, cây màu cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Năm 2013, thấy một số hộ dân ở địa phương trồng rau má mang lại hiệu quả cao, nên ông trồng thử nghiệm loại rau này trên 3 sào đất. Nhờ chịu khó chăm sóc, rau phát triển tốt, cho thu nhập ổn định nên ông mở rộng diện tích trồng loại rau này trên 10 sào. “Hiện rau má có giá từ 5.000-6.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi tiêu thụ được khoảng 200kg. Từ trồng rau má, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 150 triệu đồng”, ông Định phấn khởi cho biết.
Còn gia đình ông Lưu Văn Sơn ở thôn Nam Bình 1 (xã Hòa Xuân Tây), cho hay: “Trước đây gia đình tôi chỉ chuyên làm lúa nên thu nhập bấp bênh. Nhận thấy một số hộ dân quanh vùng trồng sen cho thu nhập khá nên vợ chồng mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen cao sản lấy hạt trên 1,5ha đất ruộng của gia đình. Nhờ Hội Nông dân tạo điều kiện, tôi được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Qua một năm miệt mài chăm sóc, ruộng sen của gia đình tôi phát triển nhanh, thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất cao, đã tạo động lực cho gia đình gắn bó lâu dài với việc trồng sen cho đến nay”.
“Xác định phong trào nông dân SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm của Hội, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi và mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để người dân nâng cao năng suất, thu nhập, vươn lên làm giàu…, xứng đáng với danh hiệu đơn vị dẫn đầu khối thi đua khối cụm đồng bằng”, ông Nguyễn Văn Thư khẳng định.
NGỌC HÂN