Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... Ngày nay, trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, phụ nữ đang phát huy vị trí, vai trò của mình lên tầm cao mới.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng việc thành lập Câu lạc bộ Nữ đại biểu HĐND tỉnh - Ảnh: THÙY THẢO |
Vai trò của nữ đại biểu HĐND với công tác bình đẳng giới
Nhằm kéo giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở một số vùng, lĩnh vực, ngành, địa phương có bất bình đẳng giới (BĐG) hoặc nguy cơ bất BĐG cao, Luật BĐG đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Mục tiêu BĐG là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Tại khoản 7, Điều 5 Luật BĐG đã giải thích “Lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu BĐG bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh”.
Đồng thời, tại khoản 5, Điều 6 quy định “Bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực thi pháp luật” là một trong sáu nguyên tắc cơ bản về BĐG. Điều đó có nghĩa là biện pháp lồng ghép giới phải được thực hiện không chỉ trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn cả trong việc thực thi pháp luật.
Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi các cơ quan, tổ chức, gia đình và từng cá nhân hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu toàn diện những khía cạnh liên quan đến giới, BĐG và thực hiện tốt các trách nhiệm đã được quy định tại Chương 4 Luật BĐG, Nghị định 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BĐG và Nghị định 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm BĐG.
Thực tế cho thấy, để thực hiện mục tiêu BĐG, phụ nữ đứng trước nhiều khó khăn và rào cản do hậu quả để lại của tư tưởng trọng nam khinh nữ kéo dài nhiều thế kỷ và trong nhiều gia đình hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng này. Hậu quả này ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ học vấn của phụ nữ thấp hơn nam giới; vị trí quản lý, lãnh đạo của nữ vừa thấp về tỉ lệ, vừa không có vai trò ra quyết định trực tiếp; khoảng cách về sự tham gia, đóng góp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và thụ hưởng thành quả từ sự tham gia, đóng góp của phụ nữ so với nam giới còn khá xa.
Để giúp phụ nữ vượt ra khỏi những khó khăn và rào cản này, vừa qua, Câu lạc bộ Nữ đại biểu HĐND Phú Yên (CLB) lần đầu tiên được Thường trực HĐND tỉnh thành lập trên cơ sở đề nghị của Ban Thường vụ Hội LHPN Phú Yên với sự tham gia tự nguyện của 14 nữ đại biểu HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo kế hoạch, CLB sẽ có những hoạt động trợ giúp phụ nữ thực hiện mục tiêu BĐG. Mục tiêu chủ yếu hoạt động của CLB là tạo diễn đàn để các nữ đại biểu HĐND giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong quá trình tham gia các hoạt động của HĐND, nhất là những vấn đề liên quan đến BĐG. Tạo diễn đàn để các nữ đại biểu HĐND trao đổi, thảo luận sâu về lồng ghép giới trong quá trình hoạt động của HĐND trong ban hành nghị quyết và giám sát các chính sách liên quan đến lồng ghép giới tại địa phương.
Ngoài ra còn hỗ trợ nữ đại biểu HĐND tỉnh kết nối, thường xuyên trao đổi kỹ năng và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động dân cử, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vấn đề giới, chính sách pháp luật về BĐG; tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, BĐG. Đồng thời hỗ trợ các nữ đại biểu thực hiện vai trò đại diện, xây dựng hình ảnh người nữ đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh; thúc đẩy vai trò của nữ đại biểu HĐND tỉnh trong tham gia đề xuất các sáng kiến lồng ghép giới vào các chính sách, nhằm góp phần nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo và tham chính.
Những đề xuất, kiến nghị
Theo thống kê, năm 2016, Phú Yên phát hiện 150 trường hợp bị bạo lực, đa phần nạn nhân là phụ nữ; năm 2017, đã phát hiện 9 trường hợp xâm hại tình dục đối với trẻ em gái, gây hậu quả nghiêm trọng cho các em và gia đình. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Chính vì vậy, ngoài việc cùng với các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung vào các hoạt động chính, như: Quán triệt đẩy mạnh các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giới và BĐG, CLB sẽ tăng cường công tác truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về vai trò, vị trí của phụ nữ và BĐG; về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và công tác phụ nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; trong đó chú trọng việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, quyền lợi của trẻ em gái.
Với vai trò của nữ đại biểu và mục tiêu của CLB đặt ra, chúng tôi có một số kiến nghị nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về BĐG và nâng cao hơn nữa việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về BĐG nói chung và Phú Yên nói riêng. Cụ thể, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện, các chính sách, pháp luật về BĐG, trong đó chú trọng vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Hàng năm, ngân sách tỉnh cũng dành tỉ lệ kinh phí phù hợp cho công tác BĐG. UBND tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG đến mọi người dân và bản thân người phụ nữ; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ và BĐG; tăng cường công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ đảm bảo mục tiêu BĐG; nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
NGUYỄN THỊ DIỆU THIỀN
Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ đại biểu HĐND tỉnh