Tổng cục DS-KHHGĐ vừa tổ chức hội nghị triển khai chương trình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ” tại Phú Yên, do Tổchức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) hỗ trợ giai đoạn 2018-2020.
Chương trình được triển khai sẽ đáp ứng nhu cầu tránh thai của phụ nữ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách cần ưu tiên, đồng thời tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và chất lượng cho phụ nữ nói chung.
Nhiều hạn chế trong hệ thống y tế công về KHHGĐ
Một số khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức MSV gần đây cho thấy, rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng; các dịch vụ KHHGĐ tại tuyến xã còn rất hạn chế. Tình trạng này dẫn tới việc tăng số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định; gây ra gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội, đồng thời tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, thời gian qua, Tổng cục đã triển khai dự án Tăng cường tiếp cận bền vững các dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng. Trong quá trình thực hiện dự án, Tổng cục nhận thấy còn nhiều hạn chế trong hệ thống y tế công lập khi thực hiện các dịch vụ KHHGĐ.
Hiện nay chỉ còn bao cấp phương tiện tránh thai (PTTT) cho một số đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người thuộc diện chính sách. Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng khoảng 67% nhu cầu này, các đối tượng còn lại phải tự trả chi phí dịch vụ KHHGĐ. Thực tế này dẫn đến nhiều người e ngại, chậm thay đổi và chưa hình thành thói quen tự chi trả chi phí cho nhu cầu KHHGĐ của mình.
Hơn nữa, tại các cơ sở y tế tuyến xã, số lượng hàng hóa và PTTT vừa thiếu về số lượng, vừa ít về chủng loại để phục vụ người dân, không đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa PTTT như chiến lược đã đặt ra; trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ ít được cập nhật, việc tuân thủ các tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ lâm sàng còn hạn chế. Do vậy, các cơ sở y tế công, đặc biệt là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng, hình thức của các nhóm khách hàng.
“Do đó, chúng tôi triển khai chương trình tăng cường năng lực y tế công sẽ hỗ trợ thử nghiệm phương thức thu phí dịch vụ, góp phần từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đảm bảo người nghèo, cận nghèo và người thuộc diện chính sách sẽđược nhận dịch vụ miễn phí, trong khi những người có khả năng chi trả sẽ có trách nhiệm chi trả toàn phần hoặc một phần phí dịch vụ. Cách tiếp cận này sẽ giúp gia tăng được nguồn tài chính để tái đầu tư cho các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tuyến xã”, ông Tân nói.
Hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu về dân số
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức MSV, chương trình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ” sẽ hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu về dân số và phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Đặc biệt, cách tiếp cận cần chú trọng đầu tư vào trạm y tế xã sẽ giúp các dịch vụ KHHGĐ thiết yếu sẵn có một cách bền vững tại tuyến gần dân nhất, từ đó góp phần giảm chi phí tiếp cận dịch vụ cho người dân và giảm tải cho y tế tuyến trên. Chương trình này được xem là giải pháp hỗ trợ thử nghiệm phương thức thu phí dịch vụ, góp phần từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, chương trình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ” do MSV đề xuất, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm mang lại giải pháp thực tế, khả thi nhằm gia tăng sự sẵn có, thúc đẩy tiếp cận, nâng cao chất lượng các dịch vụ KHHGĐ thiết yếu tại y tế tuyến cơ sở, từ đó tạo ra các tác động quan trọng về sức khỏe cho phụ nữ và gia đình của họ.
Bên cạnh đó, chương trình cũng hỗtrợ thử nghiệm phương thức thu phí dịch vụ, góp phần từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đảm bảo người nghèo, cận nghèo và người thuộc diện chính sách sẽđược nhận dịch vụ miễn phí… “Về lâu dài, việc thử nghiệm thành công chương trình này sẽgóp phần tăng khả năng tự chủ bền vững của hệ thống trạm y tế xã theo hướng cung cấp có chất lượng các dịch vụ y tế nói chung và KHHGĐ nói riêng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chiến lược DS-KHHGĐ”, ông Tân cho biết thêm.
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Công tác DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định, trong đó có sự đóng góp tích cực của Tổ chức MSV đã hỗtrợ các hoạt động triển khai cung cấp dịch vụ KHHGĐ (cụ thể là vòng tránh thai và triệt sản) nên việc thực hiện rất đồng bộ với chương trình DS-KHHGĐ. Ngoài ra, hàng năm MSV đã hỗtrợ các loại tờ rơi tuyên truyền về KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, sổ tay cộng tác viên và đặc biệt là các khóa đào tạo cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã về cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tránh thai và phòng chống nhiễm khuẩn…
Điều này đã góp phần cho chương trình KHHGĐ của Phú Yên có thêm nguồn lực để đạt mục tiêu giảm mức sinh, nhất là tại các vùng khó khăn. Phú Yên sẽ triển khai tốt chương trình này và tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, duy trì mức sinh thấp hợp lý, từng bước giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập”.
Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế KHHGĐ chất lượng của hệ thống y tế công, góp phần cải thiện sức khỏe phụ nữ và phát triển bền vững chương trình DS-KHHGĐ. Phấn đấu đến năm 2020 có 3.000 nhân viên y tế huyện, xã được đào tạo; 50% số trạm y tế xã/phường địa bàn chương trình được rà soát, bổ sung trang thiết bị KHHGĐ đạt chuẩn quốc gia, thực hiện thường xuyên việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng. |
KIM CHI