Thời gian qua, hầu hết trẻ em chưa thực sự có cơ hội tham gia đầy đủ vào các vấn đề liên quan đến trẻ em để các cơ quan chức năng tiếp thu và đưa ra hướng giải quyết, nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ. Chính vì thế, chương trình Quyền tham gia của trẻ được tỉnh triển khai sẽ giúp các em có cơ hội lên tiếng về các quyền của mình.
Nhiều ý kiến của trẻ chưa được quan tâm
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Ngày nay, nhiều cha mẹ tập trung làm kinh tế, ít có thời gian chăm sóc, lắng nghe con trẻ. Đồng thời quan niệm truyền thống kính trên nhường dưới và văn hóa thứ bậc khiến các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con cái ít có sự cởi mở, khó có thể tâm sự với con như bạn bè mà mang tính chỉ bảo nhiều hơn.
Đa số các bậc cha mẹ vẫn quan niệm trẻ em còn nhỏ, nên thường áp dụng cách giáo dục con mang tính mệnh lệnh, ít lắng nghe, xem xét phản hồi ý kiến của trẻ. Chị Diệp Thị Lan ở phường 4 (TP Tuy Hòa) thẳng thắn nói: ”Những lúc tranh luận, tôi ít khi quan tâm tới ý kiến của con, mình cứ nghĩ trẻ con biết gì mà nói... nên đôi khi cứ tự quyết định luôn phần của con cái. Giờ nghĩ lại, thấy thời buổi này, con trẻ cũng có tiếng nói riêng của chúng, mình cần phải tôn trọng”.
Đặc biệt, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hoạt động trong cộng đồng chưa thực sự thu hút và tạo hứng thú cho trẻ em. Đoàn thanh niên cơ sở thiếu cán bộ, thiếu kỹ năng tổ chức, vì vậy ít thu hút được trẻ em tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội. Chị Trần Thị Hà Dung, Phó Bí thư Xã đoàn An Dân (huyện Tuy An) chia sẻ: Xã đoàn có tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em ở xã, nhưng chỉ vào dịp Tết Trung thu hoặc Ngày Quốc tế thiếu nhi. Trẻ em được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe và phản hồi ý kiến tại cộng đồng cũng hạn chế hơn nhiều so với các nơi khác. Vậy nên, trẻ em ở vùng nông thôn rất cần những hoạt động tập thể do tỉnh, huyện về tổ chức để giúp các em hiểu hơn về cuộc sống”.
Khác với sự tham gia trong gia đình, sự tham gia của trẻ em trong nhà trường hiện nay được thể hiện với nhiều hình thức như: bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với giáo viên, bày tỏ ý kiến thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ toàn trường, thông qua hòm thư Điều em muốn nói, tư vấn học đường hoặc thông qua phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, những hình thức trên chưa đạt được hiệu quả cao và còn mang tính hình thức. Cụ thể như hòm thư Điều em muốn nói chưa phát huy được hiệu quả và thực tế là có rất ít thư, ý kiến của trẻ em được gửi qua hình thức này…
Tiếng nói của trẻ em từ các diễn đàn
Các năm qua, Sở LĐ-TB-XH cũng đã phối hợp triển khai các diễn đàn để trẻ em có cơ hội bộc lộ những ý kiến của mình với lãnh đạo. Như năm 2017, tại diễn đàn trẻ em, 60 em được chia thành 3 nhóm để thảo luận về các vấn đề xoay quanh nội dung: thực trạng hiện nay về tình trạng bạo lực học đường, xâm hại, bóc lột trẻ em, tai nạn thương tích, quyền tham gia của trẻ trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; những bức xúc gây ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em xoay quanh các nhóm quyền của trẻ em đã được chia sẻ và bộc bạch một cách cởi mở... Thông qua diễn đàn, các em còn được đối thoại, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy hành động của các cấp chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Các em mong muốn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện để có thể phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Từ những diễn đàn về trẻ em, tại các địa phương cũng đã ra mắt CLB Thực hiện quyền tham gia của trẻ em tại các trường học. Mỗi CLB có từ 20-30 thành viên. CLB có chức năng tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tham gia các hoạt động lập kế hoạch bảo vệ trẻ em, đóng góp ý kiến vào các hoạt động liên quan đến trẻ em tại địa phương, khuyến khích các em chủ động sáng tạo, đề xuất sáng kiến. Cùng với đó, các thành viên CLB còn tổ chức vui chơi, học tập ngoại khóa, chia sẻ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tạo nếp sống lành mạnh cho trẻ.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, việc thành lập CLB Thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở các địa phương trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua hoạt động của CLB, các em không chỉ được trao quyền và tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em ở cộng đồng, do trẻ em khởi xướng cùng người lớn quyết định, mà ý kiến, suy nghĩ của các em cũng được chính quyền địa phương xem xét, cân nhắc một cách nghiêm túc. Từ đó, các em có thể rèn luyện được phẩm chất, kỹ năng sống để trở thành những người hữu ích cho xã hội. Các địa phương thành lập CLB Thực hiện quyền tham gia của trẻ em cũng là góp phần triển khai hiệu quả kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), nói: Chương trình Quyền tham gia của trẻ em năm 2018 sẽ được triển khai nhằm góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, gia đình, nhà trường và trẻ em về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tạo cơ hội, điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình. Qua đó, người lớn sẽ hiểu, chia sẻ với trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.
Triển khai chương trình Quyền tham gia của trẻ em, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em. 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em. 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em. 50% các huyện, thị xã triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. |
KIM CHI