Thứ Sáu, 11/10/2024 02:17 SA
Bao gói thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên cánh đồng
Thứ Tư, 11/10/2017 12:03 CH

Bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên kênh mương xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM

Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định 2521, ngày 24/10/2016 về việc “Hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Phú Yên” (gọi tắt là Quyết định 2521), các địa phương đã gặp những khó khăn vướng mắc. Hiện bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tràn lan trên cánh đồng.

 

Lẫn lộn bao thuốc trừ sâu trong bể chứa rác sinh hoạt

 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vật thực vật Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 70 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, với kinh phí trên 340 triệu đồng. Số bể chứa trên áp dụng chỉ trên diện tích 5.450ha cây trồng, trong khi đó chỉ tính riêng diện tích lúa vụ hè thu đã lên đến 24.500ha.

 

Đa số bể chứa được xây với các dạng hình tròn và chữ nhật, không đúng quy cách. Một số địa phương có xây bể chứa nhưng chưa đủ số lượng theo diện tích đất canh tác nông nghiệp quy định nên nông dân vứt bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tràn lan.

 

Huyện Phú Hòa có 47 bể chứa rác sinh hoạt được xây trên các đường nội đồng; trong khi đó trên các cánh đồng, địa phương chưa xây bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nên sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh trên cây lúa, nông dân bỏ bao gói thuốc vào bể chứa rác sinh hoạt.

 

Ông Võ Văn Hồng ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cho hay: Tôi đi bỏ rác trong bể thì nghe mùi thuốc trừ sâu nồng nặc, nhiều lần hít mùi thuốc trừ sâu về nhà đau đầu không chịu được.

 

Dọc theo tuyến đường nội đồng từ xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc xuống xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), sáng chiều xe thu gom rác từ bể chứa rác sinh hoạt có lẫn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chở đi đốt. ThS Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vật thực vật Phú Yên cho biết: “Vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật khác rác thải sinh hoạt vì tính độc của thuốc.

 

Việc nhập chung vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vào rác thải sinh hoạt khi đốt sẽ sinh ra chất độc tác động đến môi trường và con người. Do đó, Nhà nước đã có quy định xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật riêng theo quy trình nghiêm ngặt”. Tuy nhiên, Sở TN-MT chưa có chỉ đạo cụ thể về việc vận chuyển và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các bể chứa.

 

Tràn lan bao gói thuốc bảo vệ thực vt sau s dng

 

Hiện lúa hè thu đã thu hoạch xong, nhưng trên cánh đồng từ xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng, Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), ngổn ngang bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Cánh đồng Tây Hòa rộng hơn 6.500ha, thế nhưng địa phương này mới xây dựng 4 bể chứa. Ông Phan Văn Hùng ở xã Hòa Đồng than vãn: Tôi đi cày ruộng bằng máy cày tay, khi cày đạp phải mảnh chai thuốc trừ sâu về làm độc nằm nhà cả tuần.

 

Một điều đáng lo ngại nữa là lâu nay, nông dân trong tỉnh thường dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ cỏ, ngăn ngừa sâu bệnh hại cho cây lúa và các loại cây trồng khác. Thế nhưng gần đây, nông dân các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa sử dụng tràn lan các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn phun diệt cỏ dại tràn lan, vỏ chai bị quăng tứ tung với đủ loại nhãn hiệu.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Qua kiểm tra, một số địa phương có xây dựng bể chứa nhưng chưa đúng quy cách theo hướng dẫn, chưa đủ số lượng theo diện tích đất canh tác nông nghiệp quy định. 

 

Theo quy định, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý. Vì vậy, ngành Nông nghiệp kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT xây dựng kế hoạch xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được thu gom ở các bể chứa tại các địa phương.

Đáng lo ngại là các loại thuốc này không chỉ có mùi hôi thối nồng nặc, mà còn là những loại thuốc có tính độc cao, nếu không quản lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách dễ khiến người và gia súc bị ngộ độc; đồng thời gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

 

Còn tại huyện Sông Hinh, địa phương chưa xây dựng bể chứa vỏ bao bì nên hiện các vùng gò đồi, đồng ruộng, mương nước đến nước suối cũng bị nhiễm độc do người dân phun thuốc bảo vệ thực vật xong bỏ xuống suối. Điều này đồng nghĩa với hòa tan thuốc từ vỏ bao bì vào dòng nước. Ông Ma Rin ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) cho rằng, bây giờ lùa bò đi ngang qua suối, ông không dám để bò uống nước vì thấy vỏ bao thuốc trừ sâu tràn lan. Trước đây có người để bò uống nước nhiễm thuốc sâu bị ngộ độc rồi.

 

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với vấn đề thâm canh, sử dụng giống mới đã khiến tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng lên. Trong khi đó, đa số nông dân khi phun thuốc xong vứt bao gói sau sử dụng tại ruộng, kênh mương.

 

Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2521, Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện các nội dung theo quyết định này. Tuy nhiên trong Quyết định 2521 chưa chỉ rõ nguồn kinh phí để xây bể chứa nên nhiều địa phương chưa có cơ sở để trích ngân sách chi cho hoạt động này.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek