Thứ Ba, 01/10/2024 22:34 CH
Những ngôi nhà nghĩa nước tình dân
Thứ Sáu, 23/11/2007 12:00 CH

Bây giờ, ở đâu trên mảnh đất này cũng có những ngôi nhà tình nghĩa khang trang thay cho những ngôi nhà mái tranh che tạm. Đó như là một sự tri ân đối với những người có công cách mạng góp phần lấp dần khoảng trống cô đơn mất mát của bao người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh trong kháng chiến...

 

071123-ong-Ha.jpg

Thương binh Lý Bá Hà bên ngôi nhà tình nghĩa – Ảnh: K.CHI

 

MÁI ẤM TÌNH NGƯỜI

 

53 tuổi, anh Lý Bá Hà ở thôn Nam Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh)  mới thật sự biết thế nào là có một căn nhà đàng hoàng. Căn nhà chỉ rộng 15m2 nhưng đó là tấm lòng của các đơn vị thông qua chương trình xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn của tỉnh tặng cho vợ chồng anh. Anh Hà phấn khởi nói: “Cả đời tôi cũng không dám mơ mình sẽ có được căn nhà như thế này. 17 tuổi, tôi tham gia du kích địa phương, đến năm 1972, vào bộ đội và đi chiến trường Quảng Trị. Một thời gian sau, tôi về lại chiến trường Bình Định. Trong một trận càn với địch, không may bị thương, tôi phải về nghỉ để điều trị”.

 

Đất nước thống nhất, anh Hà lập gia đình. Không vốn liếng, hai vợ chồng chỉ biết làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Dù có cố gắng dành dụm hai vợ chồng cũng không dám mơ xây được căn nhà mới. Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Hà, nói: “Hai vợ chồng không có con, dù đã chạy chữa đủ cách. Bản thân ảnh, bây giờ cứ trở trời là tinh thần bấn loạn. Được Nhà nước cho cái nhà này, vợ chồng tôi mừng lắm”.

 

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người nữ giao liên Huỳnh Thị Thư Đông ở thôn Phú Thịnh, xã An Thạch (huyện Tuy An) vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng cùng với sự góp sức của bà con để chị xây dựng căn nhà mới. Hôm nhận căn nhà, chị bật khóc. 19 tuổi làm liên lạc cho cách mạng, sau đó bị thương nên về nghỉ dưỡng. Đến khi đất nước thống nhất chị về làm cấp dưỡng tại trường Đảng, sau đó chuyển sang công tác tại Công an huyện. Công tác tại Công an huyện một thời gian, vì giảm biên chế nên chị về quê ở cùng với mẹ già. Căn nhà của hai mẹ con, hễ mùa mưa tới thì chỗ nào cũng bị dột, không sao ngủ được. Có được một chỗ ở tươm tất là mong ước của hai mẹ con nhưng với công việc hái củi, làm thuê nuôi mẹ già còn không đủ thì lấy đâu ra tiền để chị Đông sửa sang lại căn nhà. “Hôm nhà hoàn thành, hai mẹ con tôi mừng lắm. Đây thực sự là “món quà” quý giá mà Đảng, Nhà nước tặng hai mẹ con chúng tôi” – chị Đông xúc động nói.

 

Chúng tôi đến nhà bà Từ Thị Hay ở phường 2 (TP.Tuy Hòa), căn nhà tuy nhỏ nhưng cũng là tấm lòng của chính quyền và nhân dân dành cho người vợ liệt sĩ này. Bà Hay kể:  Khi nghe tin ông nhà tôi đi làm cách mạng, bọn địch cứ cách vài bữa lại cho người đến hỏi, rồi dọa nạt bắt bớ, nhưng tôi cương quyết không khai. Chúng còn đưa vào tù tra tấn, dùng báng súng đánh, đập... nhưng tôi cứ im lặng. Khi cầm tờ giấy báo tử có tên ông ấy, tôi bàng hoàng. Từ xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) ba mẹ con dắt nhau về Tuy Hoà để sống. Nhà cửa không có, mấy mẹ con chỉ biết thuê nhà để ở. Nhờ Nhà nước và nhân dân xây tặng cho căn nhà tình nghĩa này, tôi mới có chỗ ở đàng hoàng như thế này”.

 

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

 

Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm nhưng đâu đó vẫn còn nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ đang phải ở trong những căn nhà tạm bợ và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách đã góp phần không nhỏ vào việc an cư  cho các gia đình chính sách nghèo. Hơn 1.000 ngôi nhà được xây dựng và sửa chữa từ năm 2001 đến nay cho các hộ chính sách trong toàn tỉnh, đã xoa dịu phần nào nỗi đau, sự cô đơn của những người mẹ, người vợ, có chồng, con hy sinh trong hành trình giành lại độc lập cho Tổ quốc. Ông Nguyễn Công, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Phú Yên bày tỏ: Còn nhiều hộ gia đình chính sách của tỉnh đang phải sống trong cảnh nhà tạm bợ. Những việc làm chung tay vì cộng đồng, đến với các hộ gia đình chính sách gặp khó khăn trong tỉnh của đơn vị trong thời gian qua là tình cảm, là tinh thần trách nhiệm của chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình làm vơi bớt phần nào nỗi đau hậu chiến cho các gia đình chính sách.

 

Ông Nguyễn Văn Lãng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phú Yên cho biết: Trong những năm qua, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho hộ chính sách đã được các cấp ngành, hội đoàn thể đặc biệt quan tâm, ngày càng đi vào chiều sâu và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Phong trào có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho những người còn sống, nhất là đối với lớp trẻ, thanh niên.

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek