Phú Phong là thôn trũng nhất của xã Hoà Đồng (huyện Tây Hòa). Trong trận lụt vừa qua, đến 60% số nhà dân trong thôn bị ngập nước ngâm tới 3 ngày mới rút. Sau lũ lụt người dân nơi đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà không thể tự mình khắc phục.
Một “đoạn đường đau khổ” dẫn vào thôn Phú Phong
ĐƯỜNG HƯ, NHÀ TIẾP TỤC SẬP
Con đường nhựa dẫn vào thôn đầy những vết lõm do trận lụt gây ra. Thế nhưng cũng chẳng ăn thua gì so với những con đường liên xóm trong thôn. Có đoạn lầy lội như đường đất đỏ miền núi, có đoạn ngập nước sâu đến nửa mét bởi những hầm, hố trên mặt đường. Đoạn ở đầu thôn chỉ có lội bộ, đi xe đạp, xe máy thì phải dắt hoặc rà từng chút một. Bởi đoạn đường này bị nước lụt và nước ngầm rút cát sỏi tạo thành những hầm lớn. Những ngày sau lũ, người qua lại nơi đây thường bị sụp hầm, ngã xe. Nhiều em học sinh bị ngã xe đạp, lấm lem quần áo, ướt cả sách vở phải nghỉ học quay về nhà. Ông Nguyễn Văn Trận, nhà ở gần đoạn đường này cho hay: “Mấy ngày nay các cháu quen rồi nên cứ nép sát lề mà đi, chứ hôm trước cứ bị ngã hầm. Thấy thương lũ nhỏ, tụi tui bỏ đá, cây xuống hầm nhưng cũng chẳng cạn được bao nhiêu”.
Ông Nguyễn Công Dũng, Phó thôn Phú Phong, cho biết: “Toàn thôn có khoảng 25 km đường liên xóm, sau lụt đường hư hại nặng gần một nửa. Nhưng địa phương không thể huy động sức dân vì sau lụt, nhà nào cũng bị thiệt hại”. Thế nên, mỗi nhà cố gắng lắm cũng chỉ khắc phục được đoạn đường trước mặt nhà, còn những đoạn khác thì chịu. Còn ở khu chợ xổm bãi Ngang, cả một khoảng rộng bị lầy lội và nổi sình hôi hám bên cạnh hàng rau, hàng cá. Chị Trần Thị Cang, một người bán hàng trong chợ cho biết: “Thấy mất vệ sinh, chị em bán hàng ở đây tự nguyện góp tiền để đổ cát, nhưng đường hư quá xe bục bịch, cộ bò đều không vào được, đành chờ trời nắng ráo”.
Đường tiếp tục hư bởi những cơn mưa bồi thêm. Trong khi đó, nhiều ngôi nhà trong thôn sau nhiều ngày ngấm nước tiếp tục xiêu vẹo và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nhà vợ chồng ông Lê Đình Phụ – Nguyễn Thị Siêm là một ví dụ. Nhà ông Phụ không được đưa vào diện “báo cáo nhanh” của xã trong những ngày lũ lụt để được nhận hỗ trợ, bởi lúc đó chưa sập. Nhưng sau khi nước rút, chân nền hỏng do ngấm nước nên nhà bị xiêu, chực đổ sập. Bà Siêm nói: “Hai vợ chồng già không làm được, nên phải nhờ thanh niên lối xóm chằng chống lại, nhưng cũng chẳng biết sập lúc nào, trong khi con gái vừa sinh đang nằm trên rầm nhà”. Vì không nằm trong “báo cáo nhanh” của xã gia đình bà chưa nhận được trợ cấp. Nhiều hộ khác có hoàn cảnh tương tự, trong đó hộ Nguyễn Thị Miễn, Nguyễn Đáo, Nguyễn Thị Khéo đều neo đơn và khó khăn. Theo Phó thôn Nguyễn Công Dũng, sau lụt, cả thôn có thêm 11 nhà bị xiêu vẹo, hư hại nặng cần hỗ trợ. Hiện cả thôn có 22 nhà bị sập hoàn toàn và hư hại nặng, nhưng mới chỉ có 11 nhà được nhận hỗ trợ (5 triệu đồng/nhà), số còn lại thôn đã báo cáo lên xã để tiếp tục báo cáo lên trên.
ĐAU ĐẦU VÌ THIẾU LÚA GIỐNG
Ngoài nỗi lo về nhà cửa, đường sá, người nông dân ở thôn Phú Phong còn đau đầu vì thiếu lúa giống. Lũ lên nhanh, bất ngờ, sau đó là 3 ngày ngâm trong nước lụt, có nhà nước lên hơn 1 mét, nên lúa giống gần như bị ướt sạch. Nhà nào cẩn thận dời lên gác cao thì còn, nhưng số này rất ít. Trận lụt vừa rồi cũng đã cuốn trôi 12ha gieo sạ sớm vụ 12 ở cánh đồng Chùa Chay dọc sông Bánh Lái. Ông Phạm Phê, một nông dân trong thôn, cho biết: “Lúa ngoài ruộng thì mất, lúa trong nhà thì ướt chỉ có xay gạo, còn lúa giống phải “này” người ta, ai có thì nhín một ít. Có tiền chưa hẳn đã có lúa giống tốt trong thời điểm hiện nay”.
Tổng diện tích gieo sạ của thôn Phú Phong trong vụ 12 là 200ha. Áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa, số lúa giống tối thiểu mà bà con cần phải là 24 tấn! Một con số rất nhỏ trong mùa thu hoạch, nhưng bây giờ thì nó trở nên quá lớn. “Ban nhân dân thôn Phú Phong chỉ biết vận động bà con chia sẻ lúa giống cho nhau trong lúc khó khăn, rồi báo lên xã để kêu gọi hỗ trợ” – Phó thôn Nguyễn Công Dũng nói.
Bí thư Đảng ủy xã Hoà Đồng Nguyễn Ngọc Sự cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo bổ sung những thiệt hại của bà con sau lụt trong toàn xã nói chung và thôn Phú Phong nói riêng lên trên. Bởi những thiệt hại về đường sá, lúa giống, nhà cửa là quá tầm tay của chính quyền xã trong tình hình hiện tại”.
NHƯ THẢO