Xã An Chấn nằm ở phía nam huyện Tuy An, có 5 thôn với dân số 10.140 người, trong đó có 2 thôn ven biển dân cư sinh sống đông đúc. Những năm gần đây, xã phát triển mạnh nghề chế biến cá cơm xuất khẩu với 37 cơ sở tập trung ở thôn Mỹ Quang Nam nên tình trạng chất thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã có lúc báo động.
Học sinh xã An Chấn thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường. - Ảnh: N.T
Việc bảo vệ môi trường (BVMT) được chính quyền xã An Chấn đặt ra từ hoạt động mang tính tự phát của một số chị em phụ nữ nhiệt tình tự giác dọn vệ sinh bờ biển, được Hội Phụ nữ xã tổ chức thành phong trào hoạt động thường xuyên thông qua việc thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ về vệ sinh môi trường. Câu lạc bộ đó đã thu hút nhiều chị em tham gia và hoạt động ngày càng có hiệu quả, trở thành điển hình của cả tỉnh. Từ khi có Câu lạc bộ môi trường ra đời, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT và phong trào vệ sinh môi trường của xã cũng bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Nếu trước đó, trong xã chưa đến 50% số hộ dân có hố xí thì hai năm sau, đã có hơn 80% hộ có nhà vệ sinh. Tình trạng phóng uế bừa bãi ngoài đồng trống và ở bờ biển giảm đi rõ rệt.
Để thu gom, xử lý rác thải trong các khu dân cư, lãnh đạo xã đưa ra dịch vụ thu gom rác thải và nhanh chóng được người dân đồng tình hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Mỹ Quang
Với những mô hình hoạt động BVMT đáng ghi nhận đó, xã An Chấn được Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên chọn làm điểm xây dựng “Xã môi trường” tiêu biểu của tỉnh. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn của chương trình SEMLA do tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Theo đó, Chương trình SEMLA đang đầu tư cho An Chấn xây dựng hương ước BVMT, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh BVMT nông thôn tại thôn Mỹ Quang Nam gồm 80 nhà vệ sinh gia đình, một hầm biogas cho cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung, hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các cơ sở chế biến thủy sản và các hoạt động khác nhằm nâng cao ý thức BVMT trong cộng đồng dân cư địa phương. Vừa qua, chính quyền xã đã tổ chức lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh dự thảo hương ước BVMT của xã. Bà Nguyễn Thị Thanh Vy (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Hương ước BVMT được xây dựng nên từ chính cộng đồng dân cư tại địa phương, có tác dụng nâng cao trách nhiệm của từng người dân đối với nhiệm vụ BVMT, qua đó chuyển biến được hành vi ứng xử với môi trường, làm cho người dân tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường của chính họ một cách tự giác, phát huy được dân chủ cơ sở tại địa phương, góp phần làm cho quê hương làng xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hiện tại tờ rơi hương ước BVMT xã An Chấn đang được thiết kế, in ấn. Đây sẽ là hình mẫu để các xã, phường trong tỉnh có thể tham khảo, học tập để xây dựng hương ước BVMT ở địa phương mình.
Nhân Ngày làm cho thế giới sạch hơn 19/9 vừa qua, Chương trình SEMLA còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh về BVMT dành cho học sinh trong xã. Cuộc thi giúp cho các em hiểu hơn việc cần thiết phải BVMT. Những tác phẩm tốt được chọn vẽ thành áp phích cổ động treo tại các nơi công cộng trong xã. Hy vọng, khi các nội dung còn lại của Chương trình SEMLA được thực hiện đầy đủ, An Chấn sẽ trở thành xã điểm về BVMT của tỉnh.r
MAI ANH