Chiếc sõng nhỏ “cõng” học sinh lẫn xe đạp và không hề có phao cứu hộ - Ảnh: NGỌC THẮNG
Mùa mưa, lũ về. Để vào được trung tâm xã Xuân Sơn Bắc chỉ có con đường nối quốc lộ 1A (xã Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu) đi qua các thôn Tân Thọ, Tân Phước. Tuy nhiên, để vượt qua đoạn đường này, người dân phải dùng sõng nan. Anh Nguyễn Ngọc Thọ, 27 tuổi, một người chèo sõng ở đây, cho biết: “Hễ vào mùa lũ, đoạn đường cầu Cây Sung (nằm giữa hai thôn Tân Phước và Tân Bình) bị ngập chìm trong nước từ 1-2 m. Do đó, một số bà con ở đây lấy sõng làm đò đưa dân, học sinh qua lại. Mỗi lượt đi chúng tôi thu 1.000-2.000 đồng, tùy thuộc vào nước lớn hay nhỏ”.
Từ sáng đến tối, “bến đò” này người qua lại đông đúc. Hôm chúng tôi đến đây là ngày 14/11, lũ ở nhiều nơi đã rút đi, nhưng Xuân Sơn Bắc vẫn bị cô lập bởi ngập lụt tứ bề. Có những đoạn đường còn ngập sâu trong nước đến 1m. Chiếc sõng nan của anh Nguyễn Văn Đạt bé xíu vậy mà chở hơn chục người, trong đó có học sinh nhưng không hề trang bị áo phao cứu hộ. Đã thế, sõng còn “cõng” thêm xe máy, xe đạp. Vẫn biết đi sõng mà không có áo phao là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các em không còn cách nào khác để đến được trường. Em Phạm Thị Hằng, học sinh lớp 6, cho biết: “Suốt 6 năm nay, mỗi khi nước lớn thì em đi đò đến trường. Nhiều khi đi học về muộn, không còn đò, chúng em lội nước về nhà, ướt sũng cả áo quần”.
Còn có một giải pháp khác, nếu các cô cậu học trò không đi sõng: Ba mẹ lội nước cõng đến trường. Đây là “chuyện thường ngày” của anh Đinh Lợi ở thôn Tân Thọ và cô con gái Đinh Thị Thu Loan, học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Tuấn. Anh Lợi nói: “6 năm nay, hễ mưa lớn vài ngày là đường đi đến trung tâm xã bị cô lập nên tôi phải cõng con đi học. Việc này rất nguy hiểm, nhưng tôi chỉ biết làm như thế thôi”. Không được ba cõng như Thu Loan, nhiều học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn phải lội nước đi học, bất chấp nguy hiểm.
Chuyện trong mùa mưa lũ, học sinh ở xã Xuân Sơn Bắc đi học bằng sõng nan không có áo phao, phao cứu sinh đã kéo dài nhiều năm nay. Chính quyền địa phương hiểu rất rõ mối nguy hiểm này nhưng “lực bất tòng tâm”. Ông Trần Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, bức xúc nói: “Xuân Sơn Bắc là xã vùng trũng, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài một ngày đêm thì nước từ suối Hà Dom đổ về làm chia cắt, cô lập thôn Tân Thọ, Tân Phước với trung tâm xã. Khi lũ về, chúng tôi chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học, chờ nước rút xuống thấp mới cho học sinh đi học trở lại. Toàn xã có hơn 500 học sinh, trong khi đó chỉ có 50 áo phao, chủ yếu là trang bị cho lực lượng cứu hộ. Vì thế, đối với những “chuyến đò mùa vụ” thì không thể trang bị áo phao được. Chúng tôi vẫn biết sõng nan chở các em đi học mà không có áo phao là không an toàn, nhưng xã không có kinh phí để trang bị cho các em học sinh”. Hiện UBND xã Xuân Sơn Bắc đã thành lập đội thanh niên xung kích với vài chục người. “Nếu như xã Xuân Sơn Bắc được trang bị thuyền máy an toàn, chúng tôi sẽ cử lực lượng thanh niên xung kích đi tập huấn, lái đò đưa học sinh đi học”, ông
Đến thời điểm này, trong khi nhiều nơi đã “đường thông hè thoáng” thì học sinh ở Xuân Sơn Bắc vẫn phải lội nước để đến trường.
ĐỨC THÔNG