Một vấn đề thời sự hiện nay là làm thế nào để hạn chế thiệt hại do thiên tai, nhất là bão lũ, gây ra. Đối với tỉnh Phú Yên- nơi có nhiều công trình thủy điện, làm thế nào để hạn chế thiệt hại ở vùng hạ lưu mỗi khi các công trình thủy điện xả lũ. Những vấn đề này được đặt ra tại cuộc làm việc của lãnh đạo nhiều cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên hôm qua.
Cần có nhiều thông tin dự báo chính xác về khí tượng, thủy văn. Trong ảnh: Lũ dâng cao ở huyện Đông Hòa – Ảnh: NGUYÊN LƯU
Hôm qua (12/11), đoàn công tác của Bộ Tài nguyên- Môi trường do ông Lê Công Thành, Phó vụ trưởng vụ Khí tượng thuỷ văn- Bộ Tài nguyên- Môi trường làm trưởng đoàn, đã có cuộc làm việc với tỉnh Phú Yên về công tác khí tượng, môi trường. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Môi trường, Vụ Khí tượng thuỷ văn, Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn- môi trường, Sở Tài nguyên- Môi trường Phú Yên, thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Phú Yên.
Nội dung làm việc của đoàn công tác nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng các bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn so với yêu cầu phòng chống thiên tai của địa phương, đánh giá việc thực hiện qui chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của địa phương; việc phối hợp giữa các đơn vị tài nguyên, môi trường của địa phương với các đơn vị khí tượng thuỷ văn trong việc thực hiện qui chế, xử lý các vấn đề môi trường sau lũ.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Môi trường đã lưu lý ngành môi trường Phú Yên cần có những giải pháp cụ thể để xử lý môi trường cho từng vùng, lưu tâm đến công tác xử lý nước sạch cho dân. Cùng với các phương pháp xử lý nước bằng hoá chất do ngành y tế triển khai, hiện nay Cục Môi trường, Viện Khoa học- kỹ thuật Việt Nam đã có phương án đưa những máy xử lý nước sạch cho dân vùng lũ. Bộ Tài nguyên- Môi trường đã đầu tư kinh phí cho 9 tỉnh miền Trung, trong đó có Phú Yên, để xử lý các sự cố môi trường sau lũ lụt. Hiện nay ngành môi trường tỉnh Phú Yên cần sớm xây dựng đề án cụ thể để Bộ Tài nguyên- Môi trường hỗ trợ kinh phí thực hiện.
Vấn đề khí tượng thuỷ văn, hiện nay nhờ tiếp thu công nghệ tiên tiến trong dự báo khí tượng thuỷ văn, ngành khí tượng thủy văn đã đưa ra những dự báo dài hạn hơn, có độ chính xác cao hơn, việc chuyển những thông tin dự báo thời tiết đến với người dân nhanh hơn… Tuy nhiên, một số ý kiến ý kiến cho rằng công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ vẫn còn nhiều bất cập, như chưa có dự báo lượng mưa, chưa có qui chế phối hợp trong điều tiết xả lũ các hồ chứa trên các công trình thuỷ lợi. Ngoài ra cần xây dựng thêm nhiều trạm quan trắc trên các sông để phục vụ tốt hơn cho công tác phòng tránh lụt bão, cần điều chỉnh điều 7 qui chế thông báo lũ trên sông, ban hành kèm theo quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ về thông báo mức báo động khẩn cấp.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng thực tế trong đợt lũ vừa qua ở Phú Yên cho thấy, chính hồ thuỷ điện Sông Hinh xả lũ ở lưu lượng 2.000 mét khối/giây trong thời điểm mưa lớn, đã góp phần nâng cao đỉnh lũ, gây ngập lụt trên diện rộng ở vùng hạ lưu, gây thiệt hại nặng về người, tài sản. Do vậy cần thiết phải có qui chế chặt chẽ trong việc xả lũ ở các hồ chứa làm thế nào đảm bảo lợi ích hài hoà giữa ngành thuỷ điện và dân sinh vùng hạ lưu. Ông Lê Công Thành, Cục phó Cục Khí tượng thuỷ văn Bộ tài nguyên- Môi trường, cho biết: “Để giải quyết vấn đề này phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan gồm Bộ nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên- Môi trường, giữa Trung ương và địa phương để điều tiết việc tích nước hay xả nước của các hồ chứa lớn. Sắp tới, các bộ ngành sẽ có cơ chế gấp để điều hoà các mục đích sử dụng nguồn tài nguyên nước, trong mùa lũ cũng như trong mùa khô”.
Ngoài ra ở các lưu vực sông đi qua nhiều tỉnh thì Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia sẽ ban hành qui chế phối hợp thông tin giữa các trung tâm vùng về tình hình lũ trên thượng nguồn, để đảm bảo việc phòng tránh lũ ở vùng hạ du, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
LÊ BIẾT