Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (DS- GĐ &TE) tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội thi Tìm hiểu quyền trẻ em cho cán bộ DS- GĐ &TE cơ sở. Hội thi nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhận thức đầy đủ vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em.
Đơn vị huyện Đồng Xuân giới thiệu địa phương mình qua phần thi chào hỏi - Ảnh: T.THỦY |
Với những màn chào hỏi bằng nhiều thể loại: hát, múa, ca cổ, dân ca khu 5… các tuyên truyền viên dân số không những giới thiệu đặc trưng của địa bàn mình phụ trách, mà còn nêu ra những mặt làm được và chưa được trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt
BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN DS- GĐ &TE PHÚ YÊN: Cuộc thi này đem đến cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS-GĐ&TE có một sân chơi thực tế và đa dạng hơn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của chúng ta đến trẻ em. Qua đó, giúp cán bộ cơ sở nâng cao được trình độ tuyên truyền. Hội thi còn là sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các mô hình về truyền thông vận động, bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em giữa các địa phương.
Phần thi kỹ năng tuyên truyền được thể hiện qua các tiểu phẩm với những câu chuyện đời thường, giàu ý nghĩa. Trong những câu chuyện đó, có biết bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, hằng ngày phải lang thang kiếm sống. Đứa thì thất học đi bán vé số, đứa thì lao động sớm trong điều kiện độc hại ảnh hưởng đến tính mạng, đứa thì bị rơi vào cạm bẫy nghiện hút. Nhờ sự can thiệp của cán bộ DS-GĐ&TE cơ sở, các bậc cha mẹ đã thức tỉnh giúp các em có được tương lai tươi sáng hơn. Tiết mục “Chuyện bé Lam” của huyện Đông Hòa kể về cô bé mồ côi cha, bị bố dượng đánh đập. Sau đó, được một người phụ nữ nhận nuôi nhưng buộc em trả nợ bằng cách cưới chồng Việt kiều khi mới 15 tuổi. Nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ phụ nữ, người mẹ nuôi đã hiểu ra những sai lầm của mình. Các tiểu phẩm “Những điều ước” của huyện Đồng Xuân, “Tìm lại tình thương” của huyện Sông Hinh … thực sự gây xúc động khi nghe con trẻ thảng thốt với câu hát “Cha ơi! Cha ở đâu? Mẹ ơi! Mẹ ở đâu?”. Hay như tiểu phẩm “Hãy tha thứ cho ba” (Sông Cầu), “Chuyện nhà ông Tư” (TP. Tuy Hòa), “Công bằng” (Tuy An)... thể hiện rõ sự hối hận của người trụ cột gia đình vì luôn sống trong men rượu làm khổ vợ con; trọng con trai, coi khinh con gái...
Chị Nguyễn Thị Thu Hải (huyện Sông Cầu) bộc bạch: “Quan tâm đến trẻ em là trách nhiệm chung, là những công việc thường xuyên trong công tác tuyên truyền, vận động. Cuộc thi chính là cơ hội để chúng tôi thể hiện kỹ năng và hiểu biết của mình về quyền trẻ em”. Còn anh Mai Xuân Minh, một người dân phường 6 (TP Tuy Hòa), xúc động nói: “Chương trình này rất thiết thực cho những bậc làm cha, làm mẹ. Mong sao gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cô bé Nguyễn Thị Bích Ly, diễn viên nhí của huyện Đông Hòa, thổ lộ: “Tham gia hội thi, em hiểu rõ về quyền của trẻ em. Em nghĩ, những bạn nhỏ bị bỏ rơi, bị kẻ xấu lợi dụng… cần được xã hội tạo điều kiện để các bạn có cơ hội tiếp tục đến trường và học nghề”.
THÙY THẢO