Sông Cầu là vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Phú Yên, với hàng chục ngàn lồng tôm hùm, cá mú...…trị giá hàng trăm tỉ đồng đặt trên biển. Do đó, công tác ứng phó với lũ bão của huyện là bảo vệ tính mạng con người và tài sản của họ trên biển.
Người dân Sông Cầu kéo lồng nuôi trồng thủy sản đến vùng an toàn để trú bão - Ảnh: K.SA
Sông Cầu có 8/11 xã, thị trấn với 24/59 thôn, khu phố nằm sát biển. Vào mùa mưa bão hàng năm, nhiều vùng biển trong huyện thường xảy ra triều cường, nước biển xâm thực.
Chính vì thế, vấn đề phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn luôn được huyện Sông Cầu đặt lên hàng đầu. Hàng năm vào đầu tháng 7, huyện đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác lụt bão năm trước và xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho năm sau, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Theo đó, các thành viên chủ động xây dựng phương án, giải pháp của từng đơn vị, ngành, địa phương khá chặt chẽ để kịp thời ứng phó khi có lụt, bão xảy ra. Đến thời điểm này, công tác ứng phó với lụt bão năm 2007 đã được huyện Sông Cầu xây dựng kế hoạch khá sát sao. Phương châm của huyện là 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ, vật tư -phương tiện tại chỗ và kinh phí tại chỗ, lên cạnh đó, huyện còn tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, thành lập, củng cố các tổ, đội thanh niên xung kích; xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.
An toàn tính mạng con người được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn huyện Sông cầu quan tâm nhất. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 1.117 hộ sống ở những vùng thiên tai, trong đó có 301 hộ sống ở vùng biển có triều cường, 14 hộ ở vùng sạt lở, 45 hộ ở vùng lũ quét, 12 hộ vùng sạt lở núi và 745 hộ vùng thiên tai khác. Xuân Hải là xã có số hộ nằm trong vùng thiên tai nhiều nhất 216 hộ, tiếp đó là thị trấn Sông Cầu 135 hộ, Xuân Thịnh 124 hộ… Xác định cụ thể từng vùng, từng hộ dân như vậy là để huyện chủ động lên kế hoạch, phương án để khi có lụt bão xảy ra thì khẩn cấp di dân đến ở những điểm cao ráo, an toàn. Về lâu dài, huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng những công trình chống sạt lở bờ biển hoặc khu tái định cư cho những hộ thường xuyên bị thiên tai đe dọa uy hiếp.
Sông Cầu có hơn 15.000 lồng, bè tôm hùm thả nuôi trên biển. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do lụt bão gây ra trong năm 2007, huyện đã thông báo ến các xã, thị trấn và người nuôi tôm hùm các khu vực neo, buộc, tránh trú gió, bão cho lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản. Đó là các địa điểm như: Vũng Chào, Vũng La, Phú Mỹ (xã Xuân Phương), đầm Cù Mông, Vịnh Hòa, Phú Dương, Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh); Hòa Lợi, Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh) và Hòa Thọ (xã Xuân Hòa). Ngay từ giữa tháng 8 âm lịch, các chủ lồng, bè tôm hùm đã chủ động di chuyển tài sản của mình đến các khu vực trên, đồng thời neo, buộc kỹ lưỡng, an toàn.
Huyện Sông Cầu có 2.051 tàu thuyền khai thác, đánh bắt hải sản ở 8/11 xã, thị trấn. Để bảo vệ tài sản cho ngư dân trong mùa lụt bão năm 2007, huyện đã có kế hoạch neo đậu tàu thuyền đánh cá gồm các khu vực: Vũng Chào, Vũng La (xã Xuân Phương); Tân Thạnh (xã Xuân Thọ 2); lạch Phú Vĩnh, lạch Phú Hậu (xã Xuân Thọ 1); Vịnh Hòa, Hòa Lợi, Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh); thôn 3, thôn 4, thôn 5 (xã Xuân Hải); Cầu Tam Giang, cầu Lệ Uyên, Đầm Cù Mông. Chính quyền các địa phương đã thông báo cho các chủ phương tiện ghe thuyền biết để chủ động neo đậu đúng nơi quy định trong mùa lụt bão năm nay.
Các công tác khác như vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, điện lưới, thông tin tuyên truyền, phương án tìm kiếm cứu nạn, các công trình xây dựng cơ bản đang xây dựng dở dang… đã được các ngành chủ động xây dựng phương án và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống khi có lụt bão xảy ra.
KIỀU BA