Sau một thời gian giúp chồng là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm hàng tháng, bà Trần Thị Bích Loan ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu đã được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã tin tưởng giao luôn nhiệm vụ này.
Trước đây, ông Nguyễn Thanh Bình - chồng bà Loan là tổ trưởng tổ TK&VV do Hội Cựu chiến binh xã Xuân Cảnh quản lý. Tuy nhiên, vì gia đình có nghề nuôi tôm hùm và mỗi khi đến mùa, ông Bình thường đi lặn bắt tôm hùm giống để bán nên nhiều lúc bận việc, ông phải nhờ vợ đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của tổ viên. “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là giúp chồng hoàn thành nhiệm vụ được giao nên cố gắng làm tốt trong khả năng có thể. Điều thuận lợi là tổ viên ở cùng thôn, mọi người quen biết nhau nên việc đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm cũng không khó khăn mấy. Về sau, thấy tôi làm được việc, cán bộ tín dụng của NHCSXH đề nghị tôi nhận làm tổ trưởng tổ TK&VV thay vị trí của chồng để chồng tôi yên tâm làm kinh tế”, bà Loan nhớ lại.
Cách đây 5 năm, bà Loan chính thức trở thành tổ trưởng tổ TK&VV. Theo bà Loan, khi nhận nhiệm vụ, bà mới hay rằng làm tổ trưởng không chỉ có đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm. Làm tổ trưởng là phải hiểu rõ các chính sách cho vay ưu đãi để tuyên truyền cho tổ viên; phải biết quy trình, thủ tục làm hồ sơ vay vốn để hướng dẫn tổ viên thực hiện; phải có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc tổ viên sử dụng vốn, động viên họ làm ăn, trả nợ đúng hạn... Để làm tốt những phần việc này, bà Loan tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngân hàng, các hội đoàn thể tổ chức. Mỗi khi đến ngày giao dịch định kỳ, bà thường đi sớm để nếu có thắc mắc thì hỏi ngay cán bộ tín dụng. Sau một thời gian, bà Loan bắt đầu quen việc, nhiệm vụ của một tổ trưởng tổ TK&VV cũng được bà hoàn thành tốt hơn.
Hiện tổ TK&VV do bà Loan làm tổ trưởng có tổng dư nợ hơn 1,6 tỉ đồng với 60 hộ đang vay vốn; số tiền gửi tiết kiệm của tổ viên khoảng 25,5 triệu đồng. Dù dư nợ lớn nhưng tổ không có nợ quá hạn; công tác thu nợ, thu lãi định kỳ cũng đảm bảo kế hoạch. Bà Loan cho biết: Tôi là người địa phương, hiểu rõ đặc tính của người dân vùng biển và quen mặt mọi người trong thôn nên việc bình xét, chọn đối tượng vay thuận lợi. Bên cạnh đó, tôi thường tuyên truyền, vận động tổ viên gửi tiết kiệm hàng tháng để chuyển trả bớt tiền gốc. Xã Hòa Lợi giao dịch định kỳ vào ngày 13 hàng tháng thì ngày 11, 12, tôi chủ động đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm; hộ xa đi trước, hộ gần đi sau, hộ nào làm ăn ở xa quá tôi gọi điện nhắc. Nhờ vậy, hầu hết tổ viên đều trả lãi, trả nợ đúng hạn.
Nhờ sự nhiệt tình, chịu khó của bà Trần Thị Bích Loan, nhiều hộ dân ở thôn Hòa Lợi có điều kiện vay vốn làm ăn. Hộ ông Võ Cao Sơn là một điển hình. Trước đây, ông Sơn vay vốn hộ cận nghèo để nuôi tôm hùm xanh. Tôm nuôi đang phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao thì cuối năm 2016, mưa lũ đột ngột tràn về khiến hơn 50% số tôm nuôi bị chết do sốc nước ngọt. Số còn lại sống sót nhưng chậm phát triển. “Đầu năm nay, nhờ bà Loan đề nghị và địa phương bình xét, tôi được NHCSXH cho vay 27,5 triệu đồng để tiếp tục thả nuôi tôm hùm xanh. Nếu không có vốn này, gia đình sẽ gặp khó khăn khi muốn khôi phục sản xuất”, ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX Sông Cầu, bà Loan là một tổ trưởng tổ TK&VV tâm huyết với công việc. Mặc dù xuất phát điểm ban đầu chỉ là người làm thay việc của chồng nhưng với sự nhiệt tình, năng nổ của bà, ngân hàng đã tin tưởng, giao hẳn nhiệm vụ tổ trưởng tổ TK&VV cho bà Loan. Không phụ lòng tin của ngân hàng, 5 năm qua, bà đã làm tốt nhiệm vụ này, trở thành “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong quá trình chuyển vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
VIỆT AN