Từ đầu tháng 5/2017 hàng loạt thông tư, nghị định mới sẽ có hiệu lực áp dụng thi hành, xử lý người vi phạm.
Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo vừa được ban hành, và có hiệu lực từ 5/5.
Nghị định mới tăng mức xử phạt với nhiều hành vi, cụ thể như: Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng (mức phạt trước đây là 1-2 triệu đồng).
Tương tự, những người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Thiết bị ghi hình vi phạm giao thông phải hiển thị giờ và địa điểm chụp
Thông tư 06/2017 của Bộ Giao thông quy định thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5. Phải bảo đảm hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình.
Tương tự, thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm, thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.
Nộp phí sử dụng đường bộ không cần dừng xe
Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5.
Theo đó, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.
Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng là nơi thực hiện việc thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông. Trạm có gắn các thiết bị để nhận dạng thẻ đầu cuối, kết nối với trung tâm dữ liệu được xây dựng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đào giếng để xả nước thải bị phạt ít nhất 220 triệu đồng
Theo Nghị định 33/2017 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản vừa ban hành, mức tiền phạt tối đa vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng (với cá nhân) và 500 triệu đồng (với tổ chức). Mức phạt trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản là một tỉ đồng (cá nhân) và 2 tỉ đồng (với tổ chức).
Cụ thể, phạt tiền từ 230 triệu đến 250 triệu đồng với cá nhân có hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên... Phạt tiền từ 220 triệu đến 250 triệu đồng với người xả nước thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất. Nghị định có hiệu lực từ 20/5.
Vứt xác động vật ra môi trường bị phạt 3 triệu đồng
Đây là quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 41/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Theo đó từ ngày 20/5, cơ quan chức năng phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm như: Sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật; vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường; không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi. Nghị định cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ 50 đến 70 triệu đồng.
Theo VOV