Để thực hiện tốt chủ trương an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các cấp Hội LHPN đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung này đến nữ tiểu thương. Từ đó góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chợ Tuy Hòa có khoảng 2.000 hộ kinh doanh, phần lớn do phụ nữ đảm nhận. Đây là đầu mối mua bán hàng hóa, thực phẩm lớn nhất trên địa bàn tỉnh, nơi cung cấp thực phẩm cho các huyện, thị lân cận. Bởi vậy, công tác ATVSTP hết sức quan trọng. Bà Đặng Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Tuy Hòa, cho hay: Từ nhiều năm nay, Hội Phụ nữ chợ thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý chợ tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nữ tiểu thương thực hiện ATVSTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giữ uy tín trong kinh doanh. Đồng thời vận động tiểu thương “Nói không với kinh doanh thực phẩm bẩn; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”; kinh doanh, chế biến thực phẩm bảo đảm ATVSTP nhất là trong các đợt cao điểm như Tháng ATVSTP hay các dịp tết…
Thực tế cho thấy, trong sản xuất kinh doanh buôn bán, không ai là không chú ý đến lợi nhuận. Có người vì muốn lợi nhuận cao mà bất chấp tất cả, nhưng cũng có rất nhiều người kinh doanh làm ăn chân chính, luôn giữ chữ tín trong kinh doanh. Họ không vì túi tiền của mình mà đánh mất đi lương tâm của người bán hàng. Bà Lưu Thị Nhị, bán hàng ăn chay ở chợ Tuy Hòa là một ví dụ. Hơn 30 năm bán hàng ăn chay ở chợ Tuy Hòa, bà Nhị không khi nào làm phật lòng khách. Hàng ăn của bà lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất, chất lượng. Bà Nhị thổ lộ, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như sức khỏe của chính bản thân mình. Bởi vậy, mình buôn bán làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Cùng chung ý nghĩ mua bán kinh doanh phải chân chính, bà Cao Thị Tâm buôn bán mặt hàng bánh kẹo ở chợ Tuy Hòa cũng luôn quan tâm đến việc bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ ở chợ Tuy Hòa mà nhiều chợ ở các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đông Hòa… hiện nay cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSTP. Chủ nhiệm CLB Nữ tiểu thương huyện Tây Hòa Lê Thị Ái cho biết: Ngoài việc nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của Hội Phụ nữ, CLB Nữ tiểu thương của huyện Tây Hòa còn giúp chị em tiểu thương nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức của người kinh doanh, không bán hàng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ATVSTP. Chúng tôi tuyên truyền nhắc nhở chị em buôn bán, kinh doanh hướng đến lợi nhuận, nhưng không vì thế mà bỏ mặc sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể nói, công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến nhận thức của tiểu thương về ATVSTP. Tuy nhiên, điều mà các tiểu thương băn khoăn là làm sao để biết các mặt hàng thực phẩm rau, trái cây, thịt cá có an toàn hay không là cả một vấn đề, vì phần lớn họ chỉ là những người kinh doanh buôn bán. Bởi vậy, tiểu thương tại các chợ và người dân kỳ vọng các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc, từ người sản xuất, chế biến. Có như vậy, mới góp phần giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ nói chung và nữ tiểu thương nói riêng về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề ATVSTP đối với sức khỏe cộng đồng; nhân rộng các mô hình CLB Nữ tiểu thương, ATVSTP; tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng cũng như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
NGỌC QUỲNH