Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020. Báo Phú Yên trao đổi với bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, về những mục tiêu trọng tâm xung quanh kế hoạch này tại Phú Yên.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
* Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020 khác gì so với kế hoạch này giai đoạn 2011-2015, thưa ông?
- Về cơ bản, kế hoạch giai đoạn 2016-2020 cũng hướng đến việc chăm sóc toàn diện các nhóm đối tượng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em như kế hoạch giai đoạn trước. Tuy nhiên, kế hoạch lần này tăng cường hơn các giải pháp thực hiện mục tiêu đề ra. Trong đó, các mục tiêu cụ thể được ưu tiên là: giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và dự phòng y tế. Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 cũng chú trọng các mục tiêu về suy dinh dưỡng trẻ em còn cách xa các mục tiêu theo chuẩn quốc gia và tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ về dịch vụ chăm sóc và thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng bệnh nhân. Đây cũng là hai vấn đề thách thức đối với ngành Y tế Phú Yên trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em hiện nay.
* Ông có thể giải thích rõ hơn các thách thức trong công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em ở Phú Yên trong tình hình hiện nay?
- Mục tiêu quốc gia trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020 là đến năm 2020, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng chiều cao trên tuổi, nói cách khác là tỉ lệ thấp còi của trẻ em giảm còn 21,8%. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở Phú Yên (thống kê năm 2015) là 28,3%, còn rất cao so với chuẩn mục tiêu quốc gia. Tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Phú Yên là 15,4% cao hơn 3,4% so với chuẩn mục tiêu quốc gia. Có thể nói, đây là thách thức mà ngành Y tế Phú Yên phải nỗ lực để có thể đạt mục tiêu đúng thời hạn. Thêm vào đó, trong giai đoạn mới, yêu cầu nâng cao thái độ phục vụ làm hài lòng bệnh nhân cũng rất cần thiết. Chuyên ngành Sản - Nhi ở Phú Yên phải nỗ lực rất nhiều để làm được điều này.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng trẻ em tại gia đình ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
* Vậy theo ông, đâu là giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu trong kế hoạch này?
- Giải pháp vĩ mô được đưa ra là tăng cường và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và ứng dụng công nghệ một cách đồng bộ ở cả 3 tuyến xã, huyện, tỉnh. Cụ thể là đổi mới hệ thống tài chính của ngành Y tế, khuyến khích nguồn huy động cộng đồng, nguồn xã hội hóa, phối kết hợp với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, các nhóm giải pháp trọng tâm đặt ra ở các lĩnh vực: tài chính, nhân lực, truyền thông...
Về nguồn nhân lực, cần nâng chuẩn tiêu chí về nghiệp vụ chuyên môn từ nữ hộ sinh đến đội ngũ y bác sĩ với các giải pháp như: điều chuyển cán bộ, bác sĩ từ huyện xuống khám bệnh tại trạm y tế xã; tăng cường đào tạo liên tục, đồng thời tiếp cận, đào tạo hội chẩn và y khoa từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin.
Nguồn ngân sách đầu tư thì được định hướng tự chủ ngân sách địa phương thay cho quan điểm đầu tư hỗ trợ hoặc đối ứng với nguồn ngân sách của Trung ương...
* Xin cảm ơn ông!
Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020, Phú Yên phấn đấu đạt các mục tiêu: Tỉ lệ tử vong mẹ đạt mức 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỉ lệ thai phụ được đỡ đẻ ở cơ sở y tế đạt 99,5%; tỉ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi sinh đẻ (15-49) áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71,9%; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 19.3/1000; 90% cho con bú bằng sữa mẹ, trẻ từ 0-24 tháng tuổi được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý đạt 90%… |
DIỆU ANH (thực hiện)