Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại nổi lên khiến dư luận bất bình. Báo Phú Yên trao đổi với bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, ĐBQH tỉnh, về vấn đề này.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH - Ảnh: KIM CHI |
* Gần đây, trong nước xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Thực tế, tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt nổi lên các vụ xảy ra ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý chưa kịp thời đã khiến dư luận bất bình. Trong năm 2016, tại Phú Yên cũng xảy ra 4 trường hợp trẻ bị xâm hại. Với những trường hợp này, chúng tôi đã phân công cơ quan Trung tâm Công tác xã hội tiến hành truyền thông định hướng dư luận, đồng thời tổ chức tư vấn tâm lý trị liệu cho gia đình và trẻ bị xâm hại.
* Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là gì, thưa bà?
- Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nguồn lực dành cho việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ em còn hạn chế; nhiều trẻ em khó khăn cần sự trợ giúp nhưng chưa tiếp cận được các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Không ít các bậc cha mẹ còn thiếu kiến thức cũng như chủ quan, không hướng dẫn con cách phòng tránh xâm hại. Đó là chưa kể đến một số trường hợp cha mẹ biết là con mình bị xâm hại nhưng lại cố tình che giấu và không tố cáo tội phạm vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của con em, gia đình. Về góc độ pháp lý, hiện nay, chế tài cho vấn đề trẻ bị xâm hại lại chưa đủ mạnh. Điều này khiến những kẻ có hành vi xâm hại trẻ em vẫn nhởn nhơ và tiếp tục có những hành vi đồi bại.
* Theo bà, đâu là giải pháp để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại?
- Hành vi xâm hại có thể xảy ra thường ngày nhưng không ai dám lên tiếng, tạo ra tâm lý bất an cho trẻ. Chính vì vậy, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ngày càng đứng trước những thách thức lớn, rất cần sự quan tâm, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Trước mắt, ngành LĐ-TB-XH, các địa phương cần quan tâm sâu sắc đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là khi có vụ việc trẻ em bị xâm hại, ngược đãi. Nếu để quá lâu, trẻ bị xâm hại rất dễ bị ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý và tinh thần, gây hiệu ứng xấu đối với sự phát triển của trẻ. Về lâu dài, các cấp, ngành cần phối hợp chặt chẽ để mọi trẻ em đều được bảo vệ, tránh bị xâm hại.
Xã hội, cộng đồng chung tay tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em - Ảnh: KIM CHI |
* Để triển khai tốt hơn chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn từ nay đến năm 2020, Sở LĐ-TB-XH sẽ làm gì, thưa bà?
- Với trách nhiệm của ngành, thời gian qua, chúng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em; cung cấp dịch vụ hỗ trợ; mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư. Đồng thời tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trong trường học về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; đưa các mục tiêu bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm ở địa phương. Sở cũng sẽ đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
* Xin cảm ơn bà!
KIM CHI (thực hiện)