Nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc của Đảng, nhiều chương trình, chính sách về phát triển vùng miền núi, dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao. Từ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được nâng lên.
Củng cố khối đại đoàn kết
Đồng bào các DTTS của Phú Yên tập trung chủ yếu ở 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và 9 xã của 4 huyện, thị xã là Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Cầu. DTTS toàn vùng miền núi có 236.350 người, trên 57.970 hộ, trong đó có trên 15.680 hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân mỗi năm giảm từ 3-4%, riêng vùng đồng bào DTTS giảm từ 4-5%. |
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, nhất là các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi. Đó chủ yếu là các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người nghèo, cận nghèo; các chính sách an sinh xã hội đã ban hành đối với vùng đặc biệt khó khăn; về định canh định cư, trợ cước, trợ giá, hàng cấp không thu tiền... Thiết thực, cụ thể hơn là bà con DTTS được tạo điều kiện, hỗ trợ để tiếp cận các mô hình sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng.
Song song đó, Mặt trận các cấp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hàng năm, MTTQ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận cơ sở, lực lượng nòng cốt vùng đồng bào DTTS. Riêng năm 2016, 101 người uy tín tiêu biểu là các già làng trưởng bản trên toàn tỉnh được tham gia tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng buôn làng trong điều kiện mới tại tỉnh Bình Định. Qua đó nâng cao vai trò, vị trí của họ trong đời sống cộng đồng vùng đồng bào các DTTS. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện miền núi phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát chính sách người có công với cách mạng; kiểm tra, rà soát số nhà ở tạm bợ, dột nát; số hộ không có đất sản xuất. Ban Công tác Mặt trận ở các địa phương này tham mưu cấp ủy chi bộ, phối hợp với chính quyền thôn tổ chức các cuộc họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó tiếp thu, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của đồng bào, chủ động tham mưu, báo cáo, đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền có chủ trương giải quyết kịp thời và phù hợp. Mặt khác, các địa phương duy trì công tác tiếp xúc, gặp gỡ và nắm tình hình trong nhân dân, thực hiện tốt công tác tập hợp, vận động, đoàn kết các dân tộc.
“Trong những năm qua, các cấp Mặt trận phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác dân tộc đem lại nhiều kết quả khả quan. Qua công tác tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, ổn định tình hình dân cư, người dân yên tâm lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Vùng đồng bào DTTS phát triển nhiều mặt”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Khởi sắc toàn diện
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thủy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác dân tộc của cả hệ thống chính trị, tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội các xã, huyện miền núi của tỉnh đã thay đổi đáng mừng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh trong dân. Người dân tích cực hưởng ứng, chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ nơi sinh sống, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có xã miền núi ở huyện Sông Hinh mọi thứ đều là con số không (xã “5 không”). Nhưng giờ đây, diện mạo của miền núi Phú Yên đã có sự thay đổi. Đồng bào các DTTS được thụ hưởng về nhiều mặt như điện lưới quốc gia, nước sạch và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Đến nay, 100% số thôn, buôn trong tỉnh có điện với trên 99,5% hộ sử dụng. Trên 20 công trình cấp nước tập trung được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân vùng DTTS. Các huyện miền núi đã xây dựng, hình thành nhiều vùng nguyên liệu mía, sắn, cao su… liên kết với các nhà máy chế biến nông sản. Diện tích lúa nước và mô hình trang trại tiếp tục mở rộng. Các tuyến giao thông đi các huyện miền núi, các tỉnh bạn được đầu tư nâng cấp như các quốc lộ 25, 29, 19C. Trục giao thông phía tây của tỉnh đã phát huy được nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn dân hưởng ứng hiệu quả, thiết thực. Đơn cử, tại buôn Hố Hầm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), cùng với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho buôn đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã hỗ trợ xây dựng tường rào nhà rông; đào mới, sửa chữa 3 giếng nước; xây dựng 4 nhà ở cho hộ nghèo; đưa vào sử dụng 160m đường bê tông nông thôn với tổng kinh phí 152 triệu đồng.
“Mình thấy những năm gần đây, đời sống của người dân miền núi thay đổi nhiều. Đường sá rộng rãi, sạch sẽ, điện thắp sáng. Bọn trẻ được đi học chữ, lớn lên được đi học nghề. Các chương trình về nước sạch được đầu tư xây dựng, đưa nước sinh hoạt về tận nhà, không còn phải vất vả đi gùi như trước đây. Người đồng bào được ở trong những căn nhà kiên cố, trời mưa, bão cũng không còn phải lo”, Già làng Y Cái ở buôn Hố Hầm, vui vẻ nói.
KIM HOA - HÀ ANH