Tích cực ứng cứu vùng lũ và kiên quyết không để dân đói. Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước tình hình khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ sau cơn bão số 5 gây ra đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi đồng bào di dời lên mặt đê tránh lũ ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình) - Ảnh VOV
Hôm qua (7/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại tỉnh Ninh Bình. Đây một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các xã vùng chậm lũ và vùng phân lũ ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung chăm lo tốt đời sống nhân dân, nhất là số hộ sơ tán di dời lên ở trên các tuyến đê phải đảm bảo đủ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... dứt khoát không để người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 5.
Lực lượng cứu hộ đưa người dân đến bệnh viện đa khoa Thanh Hoá - Ảnh VNN
Trước tình hình khẩn cấp, Bộ Công an đã kịp thời cấp 300 áo phao, 200 bộ áo mưa phản quang, 300 đèn pin, 1 tấn lương khô cho Công an Ninh Bình huy động 320 cán bộ chiến sĩ, góp phần di dời trên 3.000 người dân các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư ra khỏi vùng phân lũ an toàn. Công an Thanh Hoá đã huy động 2.400 cán bộ chiến sĩ cùng 25 tàu xuồng, 50 ôtô, 1.500 áo phao, 2.600 kg lương khô, 1.500 kg mì ăn liền, 420 triệu đồng, 4.500 lít xăng, 1.500 đèn pin... phục vụ công tác di dời dân nhiều xã ở huyện Thạch Thành ra khỏi vùng bị ngập lũ. Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho các lực lượng huy động hơn 3.100 cán bộ, chiến sĩ và hơn 100 phương tiện (xuồng cao tốc, xe ôtô, xe đặc chủng) về phối hợp với địa phương vùng lũ di dời gần 36.000 dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình ra khỏi nơi nguy hiểm để tránh lũ. Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều 3 chuyến bay chở lãnh đạo Chính phủ và UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đi thị sát tình hình ngập lụt tại Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá và chở 2 tấn lương khô, 20 thùng nước uống cứu trợ cho các vùng bị ngập lụt thuộc huyện Thạch Thành,Vĩnh Lộc ( Thanh Hoá). Binh chủng Công binh điều 62 chiến sĩ cùng 6 thuyền kép, 9 máy đẩy, một xuồng cao tốc... đến huyện Thạch Thành cứu dân ra khỏi vùng bị ngập lũ do vỡ đê sông Bưởi. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá đã khẩn trương cấp 50.000 gói mỳ ăn liền, nước uống, thuốc khử khuẩn cho người dân bị ngập lũ, huy động tiếp 620 tấn gạo, 66 tấn mì tôm, 1.230 thùng nước uống, 7.620 tấm lợp, 27.520 m2 vải bạt phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, Thanh Hoá chỉ đạo các ngành chức năng tập kết muối, 256.000 lít dầu hoả, 51 tấn gạo, 12.706 mét nylon, hơn 15.000 đèn pin, 679 tấn nước, 8.254 bao bì, 24.800 tấm lợp, 233.000 lít xăng lên các huyện miền núi bị mưa lũ để sẵn sàng cung ứng. Thanh Hoá quyết định huy động tối đa các điều kiện cứu đói cho 30.000 hộ dân đang bị ngập lụt. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo, đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 35 tấn mì ăn liền và lương khô cho các vùng chưa có điều kiện đun nấu, hỗ trợ 350 tấn gạo giúp các hộ dân có lương thực ăn trong 10 ngày khi chưa ổn định được cuộc sống và các loại vật tư, thuốc men thiết yếu phục vụ tiêu trùng, khử độc, tạo nguồn nước sinh hoạt.
Tình hình cứu trợ nạn nhân bị mưa lũ ở Ninh Bình hết sức khẩn trương. UBND tỉnh Ninh Bình vừa trích ngân sách 2,5 tỷ đồng cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ gặp khó khăn. Sở Thương mại Ninh Bình cấp 1 tấn lương khô và 1 tấn dầu hoả cùng đèn bão. UBMTTQ tỉnh Ninh Bình phát động phong trào ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ. Theo đó, tất cả cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh sẽ ủng hộ một ngày lương. UBND tỉnh Ninh Bình còn cấp cho huyện Nho Quan và Gia Viễn mỗi huyện 200 triệu đồng và cấp cho mỗi xã trong vùng ngập 100 triệu đồng để xử lý các vấn đề cần thiết. Nhiều người dân trong vùng chậm lũ bắt đầu bị loét chân, đau mắt và đang được cấp thuốc chữa bệnh, thuốc khử trùng.
Nước ngập đến nóc nhà ba ngày chưa rút, làm khổ hàng ngàn người dân ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) - Ảnh: TTO |
Cũng ngày hôm qua (7/10), Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã huy động trực thăng vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế khẩn trương cho xã Nậm Giải và các xã bị thiệt hại nặng do bão lũ thuộc huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Do địa hình xã Nậm Giải hiểm trở, máy bay không hạ cánh được, phải đáp tạm ở xã Châu Kim (Quế Phong), cán bộ, chiến sỹ tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng đường bộ vào cho dân. Tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn, Tân Kỳ là vùng bị ngập nặng, các tuyến giao thông bị cuốn trôi, sạt lở nhiều, ngành giao thông vận tải đã tập trung lực lượng xuống cơ sở, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ tăng cường hỗ trợ 20 xe máy san gạt, bốc dỡ đất đá, thực hiện nước rút đến đâu có đường đi đến đó. Tỉnh Nghệ An chủ trương hỗ trợ các em học sinh các cấp học phổ thông có nhà bị trôi, mỗi học sinh 300.000 đồng, cứu đói cho các hộ bị trôi nhà cửa, mỗi nhân khẩu 3 tháng lương thực, mỗi tháng 15 kg gạo.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Hà Nam, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái cũng đang tập trung sức cứu hộ, cứu nạn, hộ đê, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương san gạt đất đá sạt lở khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Thiệt hại nặng nề về người và của: 61 người chết và mất tích
Trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 45 năm qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ. Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 7h ngày 7/10, cả nước đã có 61 người chết và mất tích do mưa lũ sau cơn bão số 5 (37 người chết và 24 người mất tích), trong đó Nghệ An 16 người chết và 15 người mất tích; Sơn La có 7 người chết và 3 người mất tích; Hoà Bình 8 người chết, do lũ cuốn trôi, sạt lở đất và lật thuyền, 4 người mất tích; Ninh Bình 1 người chết, do lũ cuốn trôi; Thanh Hoá 2 người chết do lũ cuốn trôi; Yên Bái có 1 người chết và 1 người mất tích; Thừa Thiên Huế 1 chiến sĩ biên phòng bị mất tích do bị lũ cuốn trôi; Hà Tĩnh có 1 người chết và Quảng Bình có 1 người chết do lũ cuốn. Ngoài ra, mưa lũ còn làm cho gần 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập. Số nhà bị ngập, hư hỏng là: 48.023 nhà, trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 213 cái, hơn 100.000 diện tích lúa và hoa màu bị ngập và hư hại, gần 600.000 m3 đất bị sạt lở....
Cứu trợ khẩn cấp bằng mì gói - Ảnh: TTO |
Đê điều vẫn trong tình trạng báo động
Theo ông Đặng Quang Tính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đáng lo ngại nhất hiện nay là tình hình đê điều tại tỉnh Thanh Hoá, cụ thể, đê tả sông Mã thuộc huyện Vĩnh Lộc có 8 đoạn với tổng chiều dài 1.980m, thấp cục bộ, đê tả sông Mã thuộc huyện Hoằng Hoá, xuất hiện 5 vị trí sủi tại chân đê phía đồng, đê hữu sông Chu tại K45+800 huyện Thiệu Hoá, xuất hiện sủi trong giếng nước của dân phía đồng, hiện nay các lực lượng vũ trang đã tổ chức đắp bằng bao tải đất. Khu vực đê tả sông Chu thuộc huyện Thiệu Hoá có 2 vị trí xuất hịên lỗ rò ở chân đê, 1 vị trí sạt mái đê phía đồng dài 13m và bãi sủi phía đồng rộng 15m2, đã được đắp trả mái đê bị sạt và đắp cơ tăng ổn định. Đáng nghiêm trọng là cống Cầu Mư tại K12+670 đê hữu sông Bưởi (đê cấp 4) thuộc xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc bị sự cố vỡ 1 cánh cửa cống, tỉnh đã dùng 3 sà lan đá đánh đắm trước cửa cống, do trênh lệch mực nước còn lớn, nước còn chảy qua cống mạnh nên sáng nay địa phương đã quyết định cho sơ tán dân khu vực hạ lưu cống để bảo đảm an toàn. Ngoài ra trên các tuyến đê sông con, xuất hiện các sự cố như thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt mái đê, địa phương đã tổ chức xử lý. Nhìn chung đến thời điểm này đê được giữ an toàn. Tại Ninh Bình, đê tả Hoàng Long tại K18+500 xã Gia Thắng, Gia Viễn xuất hiện sủi tại ao sát chân đê phía đông, địa phương đã xử lý xong. Các tuyến đê ở Nghệ An, đê tả sông Lam hiện chưa có sự cố nào đáng kể.
BTV (Tổng hợp)