* Thanh Hoá vỡ đê sông Bưởi
* Kinh hoàng lũ ống, lũ quét Tây Bắc
* Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo: Tuyệt đối không để dân đói
Tính đến 8h sáng nay (7/10) đã có ít nhất 55 người chết, mất tích (Nghệ An 21 người; Thanh Hoá 11 người; Hoà Bình 10 người; Sơn La 10 người; Ninh Bình 1 người; Yên Bái 2 người).
Lũ dữ làm sạt lở cầu đường, ách tắc giao thông. - Ảnh Báo Yên Bái điện tử
Sau cơn bão số 5, mưa lớn kéo dài đã xuất hiện trận lũ lịch sử trong vòng 45 năm qua đang tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ, nặng nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái...
Lũ dữ đã làm vỡ nhiều đoạn đê, đập thuỷ lợi, sạt lở đất đá làm ách tắc nhiều tuyến giao thông... gây thiệt hại rất lớn ở các tỉnh này. Nhiều vùng dân cư ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái,
Tính đến 8g sáng nay (7/10) đã có ít nhất 55 người chết, mất tích (Nghệ An 21 người; Thanh Hoá 11 người; Hoà Bình 10 người; Sơn La 10 người; Ninh Bình 1 người; Yên Bái 2 người).
Lũ đã cuốn trôi, làm sập đổ, ngập chìm hàng chục nghìn ngôi nhà, nhiều người dân ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái... phải đi sơ tán tránh lũ đang trong cảnh màn trời, chiếu đất. Nhiều xã ở các huyện Thạch Thành (Thanh Hoá); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An); Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình); Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ (Hoà Bình) bị nước lũ cô lập, vẫn chưa liên lạc được.
Không còn con đường nào khác, một sợi dây giúp người dân vượt lũ. - Ảnh: Báo Yên Bái điện tử
Lũ cũng làm sạt lở đất đá, làm ách tắc nhiều tuyến đường giao thông tại các địa phương miền núi phía Bắc và Trung Bộ, phải mất nhiều ngày nữa mới khai thông được. Do làm tốt công tác sơ tán, nhiều địa phương tuy bị lũ lớn bất ngờ nhưng đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhất là ở hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Riêng tỉnh Nghệ An có số người thiệt mạng nhiều nhất trong trận lũ lịch sử này, trong đó có 14 người dân ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong bị lũ cuốn trôi lúc 3 giờ sáng ngày 5/10. Lũ quét xuất hiện sau một cơn mưa dữ dội, tạo thành một thác nước lớn chưa từng có ở xã Nậm Giải. Sau cơn bão số 5, xã Nậm Giải là khu vực rất nguy hiểm, chính quyền địa phương đã sơ tán toàn bộ dân khỏi địa bàn này nhưng đến đêm, một số người dân chủ quan đã trở về nhà, trong đó có 14 người bị lũ cuốn. Các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm 14 người ở xã Nậm Giải mất tích nhưng do nước sâu, lại bị chia cắt, đến 16h ngày 6/10, mới tìm thấy được 5 thi thể.
Từ lúc xảy ra mưa lũ đến nay, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đang tập trung sức cứu hộ, cứu nạn, hộ đê, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương san gạt đất đá sạt lở khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Sáng 7/10, mực nước sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) sẽ gần đạt mức báo động III; sông Mã tại Giàng có khả năng xuống dưới mức báo động III: 0,7m; sông Bưởi tại Thạch Thành vẫn còn trên mức báo động III là 2 m; Sông Hoàng Long tại Bến Đế trên mức báo động III: 0,2 m. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An còn khá nghiêm trọng.
Vỡ đê sông Bưởi, 22 xã ngập trong nước
Trưa 6/10, ông Đinh Xuân Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), cho biết hai ngày qua lũ sông Bưởi tràn về, 22/28 xã, thị trấn của huyện đã bị chìm trong nước, có nơi ngập 4-5m.
Hàng chục nhà dân của xóm Đầm Đa, xã Phú Lão (Lạc Thuỷ, Hoà Bình) bị ngập trong nước - Ảnh: VNN |
Lũ gây ngập nặng hơn 10.000 nhà dân, với 12.000 dân phải sơ tán. Hàng nghìn người dân rời nhà đi tránh lũ trên đồi cao, trên mặt đê đang chịu cảnh đói rét, thiếu nước uống trầm trọng. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã dùng trực thăng đi phát lương thực cho dân nhưng vẫn không xuể.
Đêm 5/10, đê sông Bưởi đoạn qua thị trấn Kim Tân đã vỡ toang sau hơn hai ngày chống chọi với lũ dữ từ thượng nguồn Hòa Bình đổ về, nước sông đổ vào thị trấn Kim Tân như thác.
Phố núi Kim Tân với những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng nay đã ngập trong biển nước. Nhiều người dân thị trấn không kịp đi tránh lũ, còn ngồi trên tầng hai hoặc nóc nhà chờ hàng cứu trợ.
Trưa 6/10, hàng nghìn người dân ở dọc tuyến đê sông Bưởi thuộc hai xã Thạch Định, Thạch Long tất tả khiêng đồ đạc cần thiết, kéo nhau lên mặt đê dựng lều tạm để tránh lũ.
Kinh hoàng lũ ống, lũ quét Tây Bắc
Mưa lớn từ mấy ngày trước đã gây lũ ống, lũ quét và sạt lở núi trên địa bàn nhiều huyện ở Sơn La như Mộc Châu, Yên Châu, Mường La, Phù Yên... Ngày 6/10, mưa vẫn to tại Sơn La. Mưa lũ đã làm 10 người chết và mất tích.
Cụ Trịnh Thị Di (96 tuổi), ở thôn 1, xã Thạch Long, Thạch Thành (Thanh Hóa), cùng các con cháu ngồi trong chiếc lều tạm tránh lũ trên đê sông Bưởi. - Ảnh TTO
Hồi 13h30 phút, ngày 5/10, tại km 174 + 800 thuộc địa phận bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng. Hơn 4.000m3 đất đá từ trên núi trôi xuống làm sập toàn bộ ngôi nhà ở và kho chứa khoảng 170 tấn ngô của gia đình ông Nguyễn Đình Suy (SN 1965).
Hậu quả, ông Suy cùng 2 cháu nhỏ là Nguyễn Đức Anh (SN 1991) ; Đoàn Thị Kim Tuyến (SN 1992) chết tại chỗ. Ngoài ra còn làm hỏng 1 ôtô tải, 2 xe máy của gia đình, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Trước đó (chiều 4/10), trên địa bàn huyện Mộc Châu đã xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở núi ở nhiều nơi làm mất tích 4 người, trong đó có 2 công nhân của công ty Công ty Đầu tư xây dựng huyện Mộc Châu (đang thi công xây dựng trung tâm giáo dục lao động của huyện không kịp di chuyển lên điểm cao bị lũ cuốn trôi. 2 công nhân này là Vũ Ngọc Phanh (65 tuôi) và Nguyễn Văn Khánh (18 tuổi).
4 nạn nhân xấu số còn lại là cô giáo Ngô Thị Mến (Giáo viên trường mầm non Là Mường; bà Lò Thị Pâng và Vi Thị Toọng ở bản Pa Kham, xã Chiềng Hắc. 2 nạn nhân còn lại vẫn chưa tìm thấy.
Hiện công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân này đang được các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Tuyệt đối không để dân đói Ngày 6/10, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có điện chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 5. Bức điện viết: "Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ngành có liên quan về các biện pháp cấp bách để tập trung chống lũ, tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả sau bão lũ, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không để dân đói, ổn định việc học hành của học sinh và sinh viên, bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt".
Tại từ km 174 đến km 200 đã có 17 điểm sạt lở, gây tắc đường không thể đi lại, hiện vẫn chưa thông đường. Công ty quản lý sửa chữa đường bộ 224 đã huy động 40 công nhân và máy móc đến khắc phục thông đường.
Hai thị trấn của huyện Mộc Châu là Thị trấn Nông trường và Thị trấn Mộc Châu đã bị cô lập. Đêm qua đến rạng sáng nay, tại tiểu khu 19/8, thị trấn Mộc Châu, nước lũ đã tràn về, do không phát hiện kịp, toàn bộ khu dân cư bị ngập, gây thiệt hại về tài sản cho người dân rất lớn.
Mưa lũ đã xảy ra trên 5 xã thuộc huyện Mộc Châu, hiện một số xã vẫn đang bị cô lập, chưa thể liên lạc được. Tính đến thời điểm này, huyện Mộc Châu đã bị mất khoảng 400 ha hoa màu; 2.500 con gia súc, gia cầm; 3200 tấn ngô, trong đó bị cuốn trôi 225 tấn.
Mưa lũ cũng là cô lập huyện Mộc Châu, quốc lộ 6 đến Mộc Châu nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt có đoạn sạt lở 100m tại xã Chiềng Hắc.
Ngoài ra, nhiều cầu treo đã bị nước lũ cuốn trôi; 21 phòng học bị ngập nước, một số trường như PTTH Mộc Lỵ, trường Dân tộc Nội trú, trường cấp 2,3 Chiềng Sơn... đã phải cho học sinh nghỉ học.
Nhiều người dân tại Sơn La và Mộc Châu đánh giá đây là một trận lũ kinh hoàng, 60 năm qua mới xảy ra.
BTV (Tổng hợp)