Ngày 8/3, đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Phú Yên về thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011-2016, tổng kinh phí đầu tư cho công tác quản lý an toàn thực phẩm toàn tỉnh là 8,9 tỉ đồng. Hiện Phú Yên có 39 trại chăn nuôi heo có quy mô từ 500-40.000 con/trại; có 231 cơ sở giết mổ, trong đó có 2 cơ sở giết mổ tập trung, 229 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Tỉnh đã thành lập 2 trạm kiểm dịch động vật ở Hảo Sơn (huyện Đông Hòa) và cầu Bình Phú (TX Sông Cầu). Toàn tỉnh có 100 cơ sở nuôi trồng thủy sản chuyên canh và gần 4.000 hộ nuôi thủy sản quy mô nhỏ, với diện tích 7.000ha, sản lượng thủy sản nuôi hàng năm đạt khoảng 9.000 tấn. Các ngành chức năng đã cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho 3.416 cơ sở, cấp giấy chứng nhận hợp quy và phù hợp an toàn thực phẩm cho 246 sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh có 142 chợ, trên 10.740 điểm bày bán thực phẩm thường xuyên, gần 6.000 điểm bày bán không thường xuyên, 1 chợ đầu mối, 2 siêu thị… Trong 5 năm, các lực lượng chức năng đã tổ chức 65.085 lượt kiểm tra về an toàn thực phẩm, phát hiện 1.117 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 1,4 tỉ đồng…
Ông Phan Xuân Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Phú Yên trong việc triển khai chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: các vùng trồng rau sạch chưa được đầu tư đúng mức, một số điều kiện sản xuất rau an toàn chưa đạt, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, giá trị thấp nên người dân không mặn mà. Các cơ sở chăn nuôi tập trung còn ít và thiếu sự đầu tư; các cơ sở giết mổ tập trung chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm… Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên cần tăng cường các biện pháp kiểm tra việc chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên mở các đợt cao điểm kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi cũng như việc chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, địa phương cũng cần ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; tìm đầu ra cho sản phẩm sạch để người dân yên tâm sản xuất…
Trước đó, chiều ngày 7 và rạng sáng 8/3, đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành kiểm tra thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm tại DNTN Thủy sản Năm Rùm, trại heo Vi Long (huyện Đông Hòa), Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (huyện Tuy An); HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Bình Ngọc, lò giết mổ tập trung thành phố, chợ Tuy Hòa (TP Tuy Hòa).
NGÔ XUÂN - KIM THÚY