Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa cho biết tính đến hết ngày 28/2/2017 đã có hơn 2.030.000 lượt hộ được vay vốn từ chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Doanh số cho vay qua các năm của chương trình đạt trên 44.200 tỉ đồng, dư nợ đến thời điểm hiện tại đạt hơn 16.400 tỉ đồng với hơn 640.000 hộ đang còn dư nợ, trong đó, tỉ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,35%.
Theo thống kê từ các địa phương, dự kiến từ nay đến năm 2020, nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cần thêm ít nhất khoảng 6.600 tỉ đồng.
Chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được thực hiện theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và Quyết định 12/2016/QĐ-TTg ngày 11/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 và Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Mức vay đối với một hộ tối đa là 50 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vay vốn của một hộ có thể trên 50 triệu đồng, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Hiện nay, lãi suất của chương trình là 0,75%/tháng (9%/ năm).
Có thể thấy, đối tượng vay vốn của chương trình này là các hộ không thuộc diện hộ nghèo, nhẽ ra là khách hàng của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng thương mại hầu như không có chi nhánh tại các vùng khó khăn hoặc nếu có cũng chỉ ở các thị trấn huyện trong khi bình quân khoảng cách từ thị trấn huyện đến các xã ở vùng khó khăn khoảng 30-50km.
Khi các hộ sản xuất kinh doanh muốn đến giao dịch với ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, nhất là khi có sai sót về hồ sơ thì càng thêm vất vả.
Chính vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội với mạng lưới trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho vay đối tượng này.
Theo TTXVN/Vietnam+