Những năm gần đây, việc cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động (NLĐ) đã được các cấp, ngành, chủ sử dụng lao động quan tâm, nhất là những đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Tạo môi trường lao động an toàn
Do tính chất đặc thù trong sản xuất kinh doanh nên việc đảm bảo an toàn, vệ sinh tại Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên (Khu công nghiệp An Phú) luôn được đặt lên hàng đầu. Khi vừa đến công ty, chúng tôi đã cảm nhận được ý thức, trách nhiệm của cán bộ, NLĐ nơi đây qua khuôn viên thoáng rộng, đảm bảo xanh - sạch - đẹp và những khẩu hiệu, quy định về an toàn lao động được treo ở nhiều nơi. Theo ông Phan Văn Nhơn, Phó Tổng giám đốc Công CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, do chế biến đá granit, công nhân phải tiếp xúc với các thiết bị máy cưa, cắt, máy mài lớn, nếu không cẩn thận rất dễ dẫn đến tai nạn lao động. Để giảm nguy cơ trên, với sự “chủ công” của công đoàn và sự vào cuộc của các đoàn thể khác, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN), sử dụng thiết bị bảo hộ... luôn được đơn vị chú trọng thực hiện tốt. “Trong sản xuất, NLĐ phải tuân thủ quy trình vận hành máy móc, bảo dưỡng theo định kỳ, lắp đặt các công trình chất lượng và đề xuất nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, nước, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo môi trường. Ngoài ra hàng năm, NLĐ trong công ty đều được tập huấn, tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn lao động nên nhận thức, ý thức chấp hành được nâng lên...”, ông Nhơn cho biết.
Còn Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hàng năm luôn dành hàng trăm triệu đồng để trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân. Việc mang thiết bị bảo hộ cũng được thường xuyên nhắc nhở, đưa vào nội quy để NLĐ nghiêm túc chấp hành. Ông Huỳnh Thanh Dương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết: “Công tác ATVSLĐ được ban lãnh đạo công ty đặc biệt chú ý như cải thiện điều kiện làm việc cho anh chị em công nhân tại nhà xưởng, xây dựng hệ thống chống nóng, chống ồn, hút hơi khí độc, hút bụi, chiếu sáng, cung cấp nước uống sạch, bố trí hệ thống vệ sinh đầy đủ. Đồng thời xây dựng nhà ăn tập thể, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời điều trị bệnh nghề nghiệp và bố trí việc làm thích hợp. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn những kiến thức, kỹ năng chữa cháy và thoát nạn để công nhân có thể tự bảo vệ mình”.
Không chỉ trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy, nhiều doanh nghiệp còn thành lập đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) thuộc các tổ, bộ phận. Những thành viên này được tập huấn về kiến thức PCCC, có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở NLĐ về các biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất và sau mỗi ngày làm việc. Nhiều doanh nghiệp còn tổ chức diễn tập PCCC, đưa ra các tình huống báo cháy giả định (không báo trước) để mọi người kịp thời ứng phó, chủ động thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
Phải tự bảo vệ mình
Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác ATVSLĐ-PCCN, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ còn hạn chế; công tác tập huấn, trang bị kiến thức về ATVSLĐ, bảo vệ môi trường chưa thường xuyên; tỉ lệ NLĐ trong các doanh nghiệp được khám sức khỏe định kỳ còn thấp; cán bộ phụ trách bảo hộ lao động ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác này còn ít. Anh Đặng Ngọc Thịnh, công nhân Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, cho biết: “Trong giờ sản xuất, công nhân lao động phải tuân theo các quy định của doanh nghiệp, trong đó việc đảm bảo ATVSLĐ - PCCC được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ có lợi cho công ty, mà bản thân chúng tôi cũng cảm thấy an tâm hơn vì làm việc trong một môi trường an toàn, hiệu quả. Nhiều khi có người thấy vướng nên không chịu mang bảo hộ lao động, lập tức bị cán bộ phụ trách nhắc nhở. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách và không được chấm công lao động. Vì thế, tốt nhất là chúng tôi phải tuân thủ tốt nội quy lao động và phải tự bảo vệ mình trước”.
Theo ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được xác định có nguyên nhân từ người sử dụng lao động và bản thân NLĐ. Người sử dụng lao động chưa xây dựng được quy trình, biện pháp làm việc an toàn, chưa huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, chưa đầu tư đúng mức cho môi trường làm việc. Trong khi đó, NLĐ lại chưa nhận thức được hết về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo quy trình làm việc an toàn. Trung tá Đào Thế Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh, cho biết qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thuộc nhóm “nguy cơ cao”, đa phần các đơn vị đã chấp hành tốt các quy định, trang bị khá đầy đủ các thiết bị PCCC. Phòng cũng thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ, đo kiểm tra điện trở nối đất hệ thống chống sét đánh thẳng, kiểm tra hệ thống cấp nước chữa cháy đảm bảo giải quyết khi có cháy xảy ra.
Hàng năm, ngoài việc tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh trong Tháng ATVSLĐ-PCCN, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc, thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện ATVSLĐ-PCCN và giải quyết các ý kiến, kiến nghị từ NLĐ gửi đến Văn phòng tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh. Để góp phần cải thiện môi trường làm việc, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” đã được tổ chức công đoàn phát động sâu rộng, được CNVC-LĐ nhiệt tình hưởng ứng, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. “Vì vậy, ngoài việc kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp, tự thân NLĐ, chủ sử dụng lao động cần thường xuyên nâng cao nhận thức về ATVSLĐ-PCCN. Đừng để sự việc đã rồi mới khắc phục hậu quả mà phải thực hiện theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ông Hồ Hồng Nam khẳng định.
THÁI NGỌC