Thứ Tư, 02/10/2024 11:24 SA
Thực hiện chương trình, chính sách dân tộc: Nhiều chuyển biến tích cực
Thứ Sáu, 10/02/2017 08:38 SA

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh DTTS huyện Đồng Xuân - Ảnh: THÙY THẢO

Thời gian qua, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh được các cấp, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng mục tiêu và đạt được kết quả thiết thực. Nhờ vậy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

Những kết quả tích cực

 

Thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay, các địa phương đã và đang đầu tư 90 công trình, dự án với kinh phí hơn 21,2 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 64,2% vốn kế hoạch; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.413 hộ với số tiền hơn 4 tỉ đồng, đạt 61% vốn kế hoạch; giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đất sản xuất với số tiền hơn 1 tỉ đồng, đạt 14% kế hoạch của chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo. Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, vốn phân bổ cho huyện Sông Hinh là 14,1 tỉ đồng để đầu tư mới 3 danh mục dự án, giải ngân 7 danh mục dự án chuyển tiếp; huyện Đồng Xuân là 14,1 tỉ đồng để đầu tư mới 5 danh mục dự án; các địa phương đã giải ngân được hơn 21,6 tỉ đồng, đạt 76,6% kế hoạch. Với chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn, 1.592 hộ được vay với tổng dư nợ hơn 10 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn, các địa phương đã thực hiện cấp phát gần 5,5 tỉ đồng cho 62.024 khẩu, đạt 87% kế hoạch.

 

Các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được các cấp, ngành triển khai nghiêm túc, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, đúng quy trình quy định. Vì thế, tỉ lệ học sinh bậc tiểu học trong độ tuổi đến trường đạt 95%, bậc THCS 80%, bậc THPT 47%, 3 huyện miền núi được công nhận cơ bản hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 45%, trong đó đào tạo nghề 25%. Tổ chức cấp phát 56.763 thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS và người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS chiếm 11,8% trong tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà kịp thời cho 118 người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS các huyện miền núi và huyện có xã miền núi trong các dịp Tết Nguyên đán, lúc ốm đau, qua đời… Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi hiện nay cơ bản ổn định. Ý thức của người dân trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng lên, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Kiến nghị những giải pháp khắc phục

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát, khảo sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc triển khai các chương trình, chính sách có lúc, có nơi chưa sát với nhu cầu của người DTTS, chưa phát huy đầy đủ quyền dân chủ của người dân trong tham gia xây dựng kế hoạch và giám sát việc thực hiện. Quá trình rà soát, lập danh sách đối tượng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, nhiều địa phương thực hiện chưa kịp thời. Tiến độ khối lượng, giải ngân vốn của một số chương trình, dự án còn chậm, đạt thấp so với kế hoạch, nhất là hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ cấp xã còn hạn chế, nên việc làm chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS theo quy định gặp những khó khăn nhất định. Một số tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương giữa các vùng miền; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt chưa phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Chất lượng nguồn nhân lực tuy được cải thiện nhưng chưa đáng kể; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, thiếu lực lượng lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề nên rất khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho lao động khu vực miền núi. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, sửa chữa, xây dựng phòng học, nhà ăn, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các trang thiết bị cho các trường bán trú dân nuôi chưa thật sự được quan tâm đầu tư mạnh. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh với các địa phương liên quan trong công tác tuyển sinh, tổ chức xét tuyển đối với sinh viên học chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp trong thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ; nhiều sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện miền núi vẫn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khỏe con em, gây nhiều lo lắng cho gia đình và xã hội...

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc miền núi trong thời gian tới, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần quan tâm một số vấn đề. Một là rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện danh mục các nhóm nhiệm vụ và đề án chính sách thực hiện chiến lược công tác dân tộc ban hành kèm theo Quyết định 922 của UBND tỉnh về chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Hai là quan tâm ưu tiên bố trí vốn và huy động các nguồn lực, phối hợp lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động khác để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào DTTS. Ngoài nguồn vốn được Trung ương đầu tư, hàng năm, ngân sách tỉnh cần cân đối thêm một phần vốn ngân sách và ưu tiên sử dụng các nguồn tài trợ khác để đầu tư phát triển miền núi, nhất là vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, về giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi, nước sạch. Ba là chỉ đạo, quan tâm bố trí kinh phí để sửa chữa, xây mới tường rào, khu nội trú, khu nhà ăn cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh; xây dựng nhà ở, phòng học, phòng chức năng, cổng, tường rào, công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Bốn là chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể về đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để xác định nhu cầu, số lượng và ngành nghề đào tạo theo chế độ cử tuyển cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Quan tâm chỉ đạo bố trí, phân công công tác cho các sinh viên học chế độ cử tuyển và sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Năm là quan tâm chỉ đạo xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh để ban hành nghị quyết về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh.

 

PHẠM NGỌC CÔNG

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek