Thứ Bảy, 30/11/2024 23:39 CH
Tăng cường chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi
Thứ Sáu, 20/01/2017 08:00 SA

Khám sức khỏe miễn phí cho NCT tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Tốc độ già hóa nhanh chóng, vấn đề “già hóa dân số” được xem là nội dung trọng tâm trong công tác dân số ở Phú Yên năm 2017. Mặc dù đã đạt được một số hiệu quả, song các vấn đề về an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) vẫn còn là một thách thức.

 

Nhiều thành tựu, lắm thách thức 

 

Theo Ban đại diện Hội NCT Phú Yên, sau 6 năm triển khai các hoạt động truyền thông về vấn đề già hóa dân số, hiện nay, phần lớn NCT trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận với thông tin về thành tựu và thách thức già hóa dân số trong các cuộc họp lồng ghép từ cấp cơ sở, hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề do các cấp, ngành tổ chức. Bên cạnh đó, NCT còn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. 

 

Hiện toàn tỉnh có 301 câu lạc bộ (CLB) NCT, thu hút 20.000 người tham gia sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú như dưỡng sinh, văn nghệ, thể dục thể thao. 13.000 cụ được các cấp ngành, đoàn thể quan tâm chúc thọ và thăm hỏi. 70.000 cụ được lập hồ sơ sức khỏe. Gần 63.000 NCT (chiếm 68%) tham gia bảo hiểm y tế. Hầu hết chi hội NCT có quỹ tương trợ. Cụ Lê Trúc Ánh, hội viên Hội NCT phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “NCT phường Phú Lâm thường xuyên tham gia các hoạt động dưỡng sinh tâm thể. Hội cũng tổ chức các sinh hoạt, lồng ghép tuyên truyền chủ đề phát triển dân số, trong đó nội dung già hóa dân số được phổ biến đến từng cụ trong Hội. Từ chủ trương NCT giúp NCT, Hội đã thành lập quỹ duy trì hoạt động thăm hỏi, phúng điếu rất ý nghĩa”.

 

Mặc dù đạt được kết quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe nhưng hiện nay, NCT Phú Yên vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo Ban đại diện Hội NCT Phú Yên, hiện toàn tỉnh có đến 95% NCT bệnh tật, trong đó có hơn 67% cụ trong tình trạng sức khỏe kém; 60% các cụ đang sống với con cái, giảm 20% so với cuộc điều tra trước năm 2011; 75% NCT sống ở vùng nông thôn, chủ yếu sống dựa vào gia đình và không có lương hưu… Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban đại diện Hội NCT Phú Yên, cho biết: “Theo con số thống kê từ các cuộc điều tra, chúng tôi nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cần thiết và vượt xa khả năng cung cấp dịch vụ hiện nay. Thêm vào đó, nhu cầu được tư vấn, kiểm soát bệnh tật mãn tính (tim mạch, ung thư, hô hấp…) cũng cao hơn so với dịch vụ hiện có. Ngoài vấn đề sức khỏe, tỉ lệ người già cảm thấy buồn, cô đơn trong khảo sát là khá cao đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa dịch vụ chăm sóc tinh thần NCT. Các vấn đề NCT Phú Yên đang mắc phải cần được quan tâm, giải quyết”.

 

Dựa vào cộng đồng

 

Theo ông Nguyễn Trung Thành, với yêu cầu đặt ra trong dự phòng, kiểm tra và kiểm soát sức khỏe dài hạn, các đơn vị y tế cần phải có khoa lão khoa để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe NCT. Thực tế hiện nay, NCT không có điều kiện sống chung với con cái ngày càng tăng đặt ra một yêu cầu là các tổ chức xã hội cần đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão. Đây là hai phương án giải quyết dài hạn mà ngành Y tế và xã hội cần quan tâm đầu tư.

 

Hiện Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Ban đại diện Hội NCT Phú Yên thực hiện mô hình Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng. Hoạt động trọng tâm của mô hình này là việc thành lập và duy trì hoạt động 27 CLB NCT dựa vào cộng đồng. Từ hoạt động của CLB, các chủ trương chính sách, pháp luật về NCT, các chính sách dân số, kiến thức các bệnh thường gặp và cách phòng tránh; phối hợp khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT được phát huy hiệu quả. Ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội NCT huyện Phú Hòa, cho biết toàn huyện hiện có 26 CLB dành cho NCT. Các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, thu hút đông đảo NCT tham gia. Ngoài sân chơi cho các cụ, CLB còn có hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, mừng thọ. Kết quả này có được là nhờ đội ngũ cán bộ người NCT cấp chi hội nhiệt tình trong công tác.

 

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nói: “Những hoạt động tích cực của mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng không chỉ có tác dụng to lớn đến đời sống sức khỏe, tinh thần của NCT mà quan trọng hơn đã góp phần nâng cao nhận thức của NCT nói riêng, cộng đồng nói chung trong giải quyết vấn đề già hóa dân số. Tuy nhiên, một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể vẫn chưa nhận thức đầy đủ, khách quan về vị trí, vai trò của NCT. Trong khi đó, Việt Nam là một nước có dân số già hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Từ những thách thức trên, ngành Dân số và các ngành, các cấp cần nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề giải quyết thách thức già hóa dân số”.

 

Mới đây, theo Ban đại diện Hội NCT Phú Yên, đơn vị này đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình CLB Liên thế hệ. Dự kiến, thành viên trong CLB được xây dựng theo tỉ lệ 70% NCT - 30% người trẻ tuổi. Đây sẽ là một mô hình sinh hoạt tinh thần mới cho NCT. Việc sinh hoạt CLB giúp giải quyết vấn đề thu hẹp khoảng cách thế hệ trong gia đình, nhất là vấn đề gánh nặng cha mẹ và con cái phải đối mặt; đồng thời là địa chỉ để truyền thông các vấn đề già hóa dân số. Trong năm 2017, mô hình này sẽ được thực hiện thử nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh.

 

Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện NCT ở Việt Nam chiếm 10,5% dân số cả nước. Tỉ lệ NCT Phú Yên cao hơn trung bình cả nước, chiếm hơn 11,3% dân số tỉnh. Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2030.

 

 DIỆU ANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek