Thứ Sáu, 29/11/2024 11:54 SA
Thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Sáu, 09/12/2016 14:00 CH

Phú Yên có 31 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chủ yếu tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh, trong đó có gần 2.000 học sinh là con em đồng bào các DTTS đang học tập tại các trường từ tiểu học đến THPT. Những năm qua, các chính sách dành cho học sinh DTTS luôn được tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định của Nhà nước.

 

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Đồng Xuân nhận quà từ các tấm lòng hảo tâm - Ảnh: KIM CHI

 

Đồng Xuân là huyện miền núi nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có hơn 200 học sinh là con em đồng bào DTTS đang học tập tại 13 trường tiểu học và THPT. Bình quân, mỗi em được hưởng chính sách hỗ trợ gần 2 triệu đồng/năm. Các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với các em cũng được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện này còn có 28 học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Hàng năm, huyện đều dành kinh phí từ ngân sách để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng các quyền chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí của trẻ em; nhất là trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng đồng bào DTTS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, mỗi năm các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã ủng hộ, đóng góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ, các chế độ chính sách cho con em đồng bào DTTS đang theo học ở các trường trên địa bàn huyện được thực hiện đầy đủ. Qua đó động viên các em tiếp tục học tập, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm. Nhờ có sự hỗ trợ này nên địa phương giữ vững việc phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi cũng như tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi. Nhiều công trình xã hội được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập cũng như sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho trẻ, góp phần giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống cho nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em trên địa bàn huyện.

 

Chính nhờ sự quan tâm, chăm sóc này, các em học sinh người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đều yên tâm đến trường. Em La Lan Thái, 16 tuổi, thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, mồ côi cha từ nhỏ, đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống để phấn đấu vươn lên trong học tập. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi của trường. Hay em So Minh Phúc ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ, đã cố gắng chăm chỉ học tập, được huyện biểu dương. Phúc nói: “Nhà em tuy nghèo, nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho em đến trường. Em mơ ước lớn lên làm giáo viên dạy cái chữ cho trẻ em trong làng”.

 

Trong khi đó, huyện Sông Hinh có gần 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào DTTS. Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Một số học sinh trên địa bàn huyện sinh hoạt và học tập còn nhiều khó khăn. Chi phí trang trải cho miếng cơm manh áo đã khó, chuyện đến trường của các em lại càng khó hơn. Thời gian qua, huyện đều dành ngân sách để triển khai các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng các quyền chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí, nhất là trẻ em nghèo, đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ, đóng góp hỗ trợ những đối tượng này.

 

Trường hợp của 4 anh chị em Nay Hờ Thư (10 tuổi) ở xã Ea Bia sống trong ngôi nhà chật hẹp, không có vật dụng gì đáng giá. Ngoài học tập, Hờ Thư còn phụ mẹ làm việc nhà. Nếu không có các chính sách hỗ trợ và giúp đỡ của các tổ chức thì Hờ Thư khó có điều kiện vượt lên khó khăn để đến trường và nỗ lực đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền. Nay Hờ Thư nói: “Thời gian qua, nhờ các cô chú, các đoàn từ thiện đến giúp đỡ gia đình nên em thấy mình càng phải cố gắng đi học”.

 

Tương tự, ở huyện Sơn Hòa, hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào DTTS hàng năm đều được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cấp, ngành.

 

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, bình quân mỗi năm có 220 học sinh con em đồng bào dân tộc ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trong tỉnh được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định như: hỗ trợ học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, tiền tàu xe, gạo… Mặc dù các chính sách dành cho học sinh DTTS được thực hiện đầy đủ, tuy nhiên tỉnh Phú Yên còn gặp khó khăn trong việc bố trí công tác đối với những học sinh học cử tuyển tốt nghiệp khi ra trường. Hàng năm, công tác tiếp nhận gạo gặp khó khăn do giao thông cách trở và chi phí vận chuyển các trường phải tự chịu; tỉ lệ học sinh là con em đồng bào DTTS có học lực yếu kém vẫn còn cao.

 

Để tiếp tục tạo điều kiện cho học sinh đồng bào DTTS đến trường và học tập tốt, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục dân tộc, miền núi, cần có thêm các chính sách của địa phương. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục miền núi, vùng DTTS.

 

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công

 

XUÂN TRIỆU - HOÀNG LÊ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek