Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin của Tổng cục Dân số Việt Nam vừa qua tại Hà Nội. Các chuyên gia dân số cũng đã nêu nhiều khuyến nghị trong bối cảnh Việt Nam có thay đổi chiến lược về chính sách dân số.
Các số liệu đáng chú ý khác cũng được đưa ra tại hội nghị, theo đó quy mô dân số ở nông thôn giảm dần từ năm 2020 và thấp hơn quy mô dân số thành thị vào năm 2039. Trong khi đó, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng và đạt mức 63 triệu người vào cuối giai đoạn dự báo (thập kỷ 40 của thế kỷ này). Đáng chú ý là đến năm 2020, Việt Nam sẽ “thừa” 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Đến năm 2040, Việt Nam cũng sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Cũng theo các chuyên gia, số phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ sẽ ổn định và bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2035.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia hàng đầu về dân số của Việt Nam, cho biết Việt Nam đang có thay đổi mang tính chiến lược về dân số. Theo đó, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã nêu quan điểm chuyển từ trọng tâm DS-KHHGĐ sang trọng tâm dân số và phát triển. Các chính sách nhằm cụ thể hóa quan điểm này sẽ được ban hành trong năm 2017.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng hợp lý, phù hợp với mức độ đô thị hóa nhanh trong thời gian tới; có chính sách đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở những khu vực chuyển từ nông thôn thành thành thị; trong đầu tư giáo dục, nghiên cứu đầu tư trung hạn cho giáo dục tiểu học cần hướng tới việc tăng chất lượng hơn là tăng quy mô.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng cần có các nghiên cứu chính sách hội nhập quốc tế trong bối cảnh “già hóa” là xu hướng chung của dân số toàn cầu.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)