Theo số liệu thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), số trẻ bị người thân, người quen xâm hại rất cao, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Tại Việt Nam, từ năm 2011-2015, cả nước đã có khoảng 2.000 vụ xâm hại trẻ, riêng ở Phú Yên khoảng 100 vụ. Những con số này khiến nhiều người phải giật mình.
Sinh hoạt chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
Nhiều vụ trẻ bị xâm hại
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 8/2016, Hội đồng xét xử TAND huyện Sông Hinh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, trú khu phố 2, thị trấn Hai Riêng, về tội dâm ô đối với trẻ em với mức án 9 tháng tù. Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sau khi ra ngoài uống rượu trở về nhà nằm trên ghế salon xem tivi, thấy các cháu nhỏ sống gần nhà đến chơi, mượn điện thoại chơi game, Nguyễn Thanh Tuấn nảy sinh ý định và thực hiện hành vi dâm ô với cháu Đ. Hành vi này bị chính vợ bị cáo là chị N phát hiện và báo cho gia đình cháu Đ tố cáo vụ việc tới cơ quan có chức năng.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên, cho biết: “Đây chỉ là một trong những trường hợp cụ thể mà trẻ bị lợi dụng xâm hại đã được phát hiện kịp thời. Thực tế có những trường hợp, mặc dù các cháu là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn lại thờ ơ, coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hoặc có thái độ bao che cho hành vi vi phạm của người thân. Những vụ việc đó thường để lại hậu quả rất nặng nề. Các cháu không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi, trong nỗi ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng”.
Mỗi năm, Phú Yên có 10-15 vụ trẻ bị xâm hại. Thực tế cho thấy, các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa và thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người lớn đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại, từ đó khiến các em có nguy cơ bị xâm hại nhiều lần.
Giúp trẻ tự bảo vệ mình
Đa số các vụ việc xâm hại tình dục đều do kẻ xâm hại đã dùng chất kích thích như rượu, bia và lợi dụng việc các em thiếu sự quan tâm của gia đình hay dùng lợi ích vật chất để dụ dỗ các em… Được biết hiện nay, mạng lưới phòng ngừa ở cơ sở rất yếu, có địa phương hầu như không có. Các cộng tác viên, cán bộ chăm sóc trẻ em vừa thiếu vừa yếu. Nhiều trẻ bị lạm dụng, xâm hại tình dục nhưng không ai biết, hoặc biết nhưng im lặng cho qua, biết rồi vẫn không dám tố cáo vì đó là người thân trong gia đình… Vì vậy, các em gái bị hại âm thầm chịu đựng sự ám ảnh, giày vò tâm lý, còn kẻ xâm hại thì lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, để không xảy ra các trường hợp trẻ bị xâm hại, trước hết cần dạy cho các cháu biết cách tự bảo vệ mình và mạnh dạn tố cáo, chia sẻ với người lớn khi bị xâm hại. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc con cái, không để trẻ ở nhà một mình, trẻ đi chơi một mình, kể cả sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự trông nom của cha mẹ.
Nói về kinh nghiệm tư vấn để trẻ vượt qua nỗi sợ hãi hay lo lắng khi có người đe dọa làm tổn thương đến trẻ, bà Ngô Thị Được, cộng tác viên dân số phường 8, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Phụ huynh cần thường xuyên quan tâm và trò chuyện với trẻ. Khi trẻ có biểu hiện hay tỏ thái độ không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, cha mẹ hãy tìm cách giúp trẻ chia sẻ và tránh xa những người mà trẻ không thích hay có những hành vi đụng chạm”.
Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết
Kỹ năng đầu tiên nên dạy cho trẻ là kiến thức về giới, giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại nhưng không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng, các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác. Các bậc phụ huynh cũng nên dạy trẻ chú ý không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy cho trẻ những kỹ năng phòng tránh xâm hại ngay từ khi trẻ còn nhỏ để có thể hạn chế tối đa nguy cơ trẻ bị lạm dụng. Tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ mà cha mẹ có thể dạy cho trẻ những kỹ năng dù đơn giản nhất nhưng vẫn có thể tạo được hiệu quả bất ngờ giúp trẻ tự bảo vệ mình.
Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên |
NHƯ NGUYỆN