Thứ Bảy, 30/11/2024 02:24 SA
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công:
Cần có quy định ưu tiên đặc cách đối với sinh viên cử tuyển
Thứ Sáu, 02/12/2016 08:55 SA

Thời gian qua, Phú Yên đã cơ bản thực hiện tốt chế độ cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bất cập cần giải quyết. Xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết:

 

- Thực hiện Nghị định 134, hàng năm, căn cứ các văn bản của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, trên cơ sở nhu cầu, vị trí việc làm và tình hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện đã thông báo công khai kế hoạch cử tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch. Đồng thời xét chọn đối tượng, đăng ký số lượng chỉ tiêu với các sở. Theo đó, UBND tỉnh thành lập hội đồng tuyển sinh tổ chức tuyển chọn; đặt hàng đào tạo theo chế độ cử tuyển với các cơ sở giáo dục và ra quyết định cử người đi học theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chế độ này cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa được bố trí việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, lãng phí về thời gian, công sức, tiền của của Nhà nước rất lớn.

 

Ông Phạm Ngọc Công - Ảnh: THÙY THẢO

* Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên cử tuyển chưa được bố trí việc làm, thưa ông?

 

- Có nhiều nguyên nhân khiến sinh viên cử tuyển không xin được việc. Trong đó, đáng kể nhất là do nhu cầu công việc các đơn vị, địa phương cử người đi học, trong quá trình sinh viên đi học thì địa phương đã bố trí người vào vị trí đó. Do vậy, khi cử tuyển về thì biên chế của địa phương, đơn vị đã hết nên không thực hiện việc tuyển dụng được. Bên cạnh đó, những năm trước đây, sự phối hợp giữa các sở, ngành với các địa phương cử người đi học chưa thực sự chặt chẽ. Đặc biệt là các khâu rà soát nhu cầu để cử tuyển; lập kế hoạch đào tạo, bố trí công tác sau khi tốt nghiệp. Do đó, khi các đối tượng này tốt nghiệp khó bố trí việc làm vì các địa phương, đơn vị không có nhu cầu. Đồng thời, một số chuyên ngành, lĩnh vực lúc cho đi cử tuyển thì phù hợp nhưng sau khi tốt nghiệp không còn phù hợp thực tế; có ngành cử đi đào tạo chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đơn vị, địa phương cử đi đào tạo.

 

Ngoài ra phải kể đến quy định về tuyển dụng không có ưu tiên đặc cách đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển. Chính vì vậy, một số sinh viên cử tuyển không trúng tuyển công chức, viên chức phải nghỉ hợp đồng lao động.

 

 

Một giờ học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: THÙY THẢO

* Trong thời gian đến, để thực hiện có hiệu quả chế độ cử tuyển, theo ông, tỉnh cần có sự quan tâm như thế nào?

 

- Để thực hiện có hiệu quả chế độ cử tuyển, trước tiên cần có sự quan tâm chỉ đạo cụ thể hơn của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và các đơn vị, địa phương cử người đi học. Đó là, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu giao, yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của đơn vị, địa phương, Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND tỉnh thành lập hội đồng tuyển dụng và ra quyết định phê duyệt danh sách cử đi học. Sở Nội vụ phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục để quản lý người học theo chế độ cử tuyển trong quá trình đào tạo, bàn giao hồ sơ sinh viên cử tuyển ra trường về địa phương. Đây là cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ của người học theo chế độ cử tuyển và phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm.

 

Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đề nghị Trung ương nên có quy định về chế độ tuyển dụng có ưu tiên đặc cách đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển. Như vậy, cơ hội việc làm cho các em đi học cử tuyển sẽ nhiều hơn và các em cũng yên tâm học tập, nhất là trong giai đoạn tinh giản biên chế như hiện nay.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Chế độ cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ là một trong những chính sách dân tộc lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Chính sách này góp phần nâng cao dân trí, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững ở các địa phương.

 

THÙY THẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lúng túng do quy định chồng chéo
Thứ Sáu, 02/12/2016 08:27 SA
“Mái nhà chung” của ngư dân
Thứ Năm, 01/12/2016 08:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek