Thứ Bảy, 30/11/2024 04:41 SA
Quan tâm chăm lo đời sống người khuyết tật
Thứ Sáu, 02/12/2016 07:58 SA

Nhóm cắt tóc Kim Tiến (phường 7, TP Tuy Hòa) cắt tóc miễn phí cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT

Thời gian qua, thực hiện Luật Người khuyết tật (NKT) và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều chính sách chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT. Nhờ vậy, đời sống của đại bộ phận NKT đã được nâng lên, hàng ngàn NKT ở Phú Yên được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như học văn hóa, học nghề tạo việc làm, khám chữa bệnh và PHCN, nhà ở...

 

Phú Yên hiện có 16.801 đối tượng đã được cấp chứng nhận khuyết tật trên cơ sở kết quả xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã và kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, chiếm khoảng 1,92% tổng dân số toàn tỉnh.

 

NKT được quan tâm, chăm sóc

 

Triển khai đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, ngoài các nguồn lực, chương trình của Nhà nước, UBND tỉnh đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, đoàn thể phối kết hợp, vận động các tổ chức xã hội từ thiện, cá nhân hảo tâm tích cực tham gia, trợ giúp NKT.

 

Từ năm 2012 đến nay, thông qua đội ngũ cộng tác viên cơ sở, hơn 1.550 NKT được hướng dẫn tập luyện PHCN, trong đó có hơn 560 người đã hồi phục và hòa nhập cộng đồng. Đây là cách làm rất có hiệu quả và thiết thực, giúp các đối tượng không phải đến các trung tâm chữa bệnh mà có thể tập luyện và chữa bệnh tại nhà dưới sự giúp đỡ của cộng tác viên và người thân. Đối với trẻ em khuyết tật, bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước còn có các cá nhân, tập thể, các cơ sở tôn giáo đã thu nhận nuôi dạy và chữa bệnh cho các em có hoàn cảnh khó khăn như Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), Nhà Cứu trợ trẻ em khuyết tật xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), Nhà Cứu trợ trẻ em khuyết tật xã Sơn Thành (huyện Tây Hòa), chùa Hải Sơn ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), Cô nhi viện Mằng Lăng (huyện Tuy An)… Các hoạt động thiện nguyện ở những cơ sở này đã góp phần làm vơi đi những mất mát, bất hạnh của NKT, giúp họ bớt mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cuộc sống.

 

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Luật NKT, những chủ trương chính sách trợ giúp đối với NKT được tăng cường. Qua đó nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành, tổ chức hội đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình đối với NKT.

 

Hàng năm, Sở LĐ-TB-XH tổ chức đưa đối tượng tàn tật đến khám và PHCN miễn phí tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn; tổ chức mổ đục thủy tinh thể; tặng xe lăn, xe lắc; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức khám sàng lọc và tiến hành mổ tim miễn phí (đến nay đã có 240 trẻ em bị tật tim bẩm sinh được mổ tim); tổ chức cho NKT tham gia hội nghị biểu dương người tàn tật tiêu biểu toàn quốc. Ngoài ra, ngành VH-TT-DL cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trợ giúp thiết yếu phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với NKT; đặc biệt là các công trình mới xây dựng, tu sửa đều chú ý đến thiết kế dành lối riêng cho NKT.

 

 

Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên tặng sữa cho trẻ khuyết tật xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) - Ảnh: KIM CHI

 

 

Tiếp tục các chương trình giúp NKT hòa nhập

 

Nhờ được Nhà nước, cộng đồng quan tâm, nhiều NKT đã vượt qua bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Xét tổng thể, những năm gần đây, tỉ lệ NKT có xu hướng giảm do tác động trực tiếp của nhiều chương trình như: Chương trình phẫu thuật trẻ khuyết tật vận động, mổ tim nhân đạo cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười… Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị cũng xây dựng tài liệu và mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết để NKT hòa nhập cộng đồng; tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề cho NKT còn khả năng lao động và có nhu cầu học nghề phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hỗ trợ các em đã qua học nghề tự tạo việc làm phù hợp; thành lập các trung tâm PHCN dựa vào cộng đồng, phẫu thuật chỉnh hình…

 

Tuy đã được cải thiện, nhưng cuộc sống của NKT trong tỉnh cũng còn nhiều khó khăn. Tạo việc làm cho NKT còn khả năng lao động là vấn đề mấu chốt để họ có thể hòa nhập cộng đồng, nhưng đến nay nhiều nơi vẫn chưa thực hiện có hiệu quả công tác này. Kèm theo việc dạy nghề là dạy văn hóa, Bộ GD-ĐT đã có quyết định về những chính sách ưu đãi cho NKT nhưng khi triển khai thì không đến nơi đến chốn. Vấn đề đi lại của NKT, ngành LĐ-TB-XH đã giải quyết cơ bản xe lăn, xe lắc để giúp họ đi gần, còn việc đi xa bằng phương tiện giao thông công cộng thì hầu hết các phương tiện này lại không có chỗ phù hợp; các công trình giao thông, xây dựng hầu hết không có lối đi riêng dành cho NKT.

 

Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình hành động để trợ giúp thiết thực cho NKT. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như: phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về nội dung giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT; chăm sóc NKT thông qua các chương trình cấp xe lăn, xe lắc, xe đạp; mổ tim, mổ mắt, khám chữa bệnh miễn phí; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội để vận động gây quỹ; huy động vật chất, phương tiện từ nhiều chương trình, dự án khác nhau để cùng các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực nhằm giúp NKT cải thiện đời sống, hòa nhập tốt với cộng đồng.

 

VÕ VĂN BINH

PGĐ Sở LĐ-TB-XH Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek