Tổng cục DS-KHHGĐ vừa phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổng kết chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, tình trạng MCBGTKS của Việt Nam tuy xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn, diễn ra ở cả thành thị và khu vực nông thôn. Tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) có hiện tượng tăng bất thường. Năm 2015, TSGTKS là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái; 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ này đã ở mức 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Như vậy, Việt Nam đang bị MCBGTKS cao. Điều này dẫn đến hậu quả, nam giới sẽ bị thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ, họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; việc thiếu hụt phụ nữ cũng sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các trẻ em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái… “MCBGTKS ở nước ta không chỉ là một trong những thước đo bất bình đẳng giới mà còn là vấn đề ảnh hưởng đến nòi giống Việt và sự phát triển bền vững của cả dân tộc”, ông Nguyễn Văn Tân cho biết thêm.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề MCBGTKS là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn do tâm lý thích sinh con trai hơn con gái của nhiều gia đình Việt. Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là chỉ tập trung vào giải quyết hiện tượng, chẳng hạn như cấm siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính mà cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh rộng lớn hơn khi con trai luôn được coi trọng hơn con gái.
Bà Astrid Bant nhấn mạnh: “Để thay đổi quan niệm xã hội và xây dựng một xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới cần phải có sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Ngoài ra, cần thiết phải cải thiện khuôn khổ luật pháp liên quan đến bình đẳng giới bởi chính luật pháp và chính sách sẽ tác động tới hành vi của người dân”.
Tại buổi tổng kết, Tổng cục DS-KHHGĐ đã trao giải cuộc thi Kể chuyện bằng hình ảnh “Con gái thật tuyệt” trên mạng xã hội. Theo đó, sau hơn 2 tháng phát động (5/9-15/11/2016), cuộc thi đã thu hút trên 15.000 bài tham dự và gần 30 triệu lượt người hưởng ứng. Qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới, góp phần làm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)